Nhiều cây xăng đóng cửa, Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn với Bộ Công Thương

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu

Ngày 12-10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, các Bộ Công Thương, Tài chính đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Nguồn cung xăng dầu gặp trục trặc, nhiều cây xăng đóng cửa do không nhập được hàng

Nguồn cung xăng dầu gặp trục trặc, nhiều cây xăng đóng cửa do không nhập được hàng

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình trạng cây xăng đóng cửa đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ trong tháng 10-2022.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết sáng 12-10, Bộ Công Thương đã họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Cuộc họp đã ghi nhận các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp như rà soát chi phí vào cơ cấu tính giá, đặc biệt là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành, kinh doanh xăng dầu như công thức tính giá và thời điểm điều hành giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị các nhà máy lọc dầu trong nước cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

"Đồng thời, đề nghị các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý IV/2022"- ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Infographic: Khẩn cấp thiết lập trật tự thị trường xăng dầu, cách nào?

Cùng Báo Giao thông nhìn tổng thể thị trường xăng dầu, mổ xẻ nút thắt và bàn thảo các giải pháp khẩn cấp thiết lập trật tự thị trường này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN