Nhiều “bẫy” khi mua sắm, giao dịch online trong mùa dịch, cẩn thận kẻo mất tiền oan

Mua sắm online đang lên ngôi trong mùa dịch Covid-19 và càng phát triển hơn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì một số đối tượng đang sử dụng phương thức mua sắm này để lừa đảo với người tiêu dùng.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều đã đóng cửa, các nhà hàng, quán ăn,... ngừng phục vụ tại chỗ và đẩy mạnh tiếp thị bán hàng online qua kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử… Chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại, khách hàng có thể mua bất cứ mặt hàng nào mình có nhu cầu.

Chị Hồng Ngọc cho biết mình là nạn nhân của việc mua hàng không đúng như quảng cáo

Chị Hồng Ngọc cho biết mình là nạn nhân của việc mua hàng không đúng như quảng cáo

Tuy nhiên, qua hình thức mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng không thể nhìn và đánh giá trực tiếp chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó là nguy cơ rủi ro khi khách hàng thanh toán trực tuyến, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường internet. Không ít trường hợp người tiêu dùng đã nhận được hàng hóa không giống quảng cáo, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; hoặc bị mất tiền từ tài khoản do lừa đảo.

Chị Hồng Ngọc (ở TP.HCM) cho biết mình đã trở thành một trong những nạn nhân khi mua hàng online không đúng như quảng cáo. Chị được chủ shop giới thiệu về bộ đồ ở nhà lên dáng xinh và phù hợp với cân nặng của mình nên đã đặt 3 bộ để được miễn phí tiền vận chuyển. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị thất vọng khi không đúng như sản phẩm được shop giới thiệu. Thay vào đó, 3 bộ đồ như hàng chợ với chất vải mỏng và như dành cho em bé mặc. Khi phản hồi lại với shop, chị còn bị người bán chặn luôn tài khoản.

Bạn Mai Anh (sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội) cho biết đã bị lừa khi trở thành CTV bán hàng mỹ phẩm online. Mai Anh chia sẻ sau khi đăng ký thành công trở thành CTV online, mỗi ngày sẽ được 50.000 đồng tiền công đăng bài trên trang facebook cá nhân. Nếu có khách mua, CTV sẽ được nhập hàng từ công ty về với giá 358.000 đồng và bán lại cho khách với giá 558.000 đồng. Như vậy, mỗi sản phẩm CTV bán hàng lời ngay 200.000 đồng, đây là một số tiền rất lớn với một sinh viên.

Sau 5 ngày đăng bài, Mai Anh được một “khách sộp” đặt luôn 12 gói mặt nạ dưỡng da mặt. Để có số tiền 4.269.000 đồng đặt mua hàng trả khách, Mai Anh đã phải vay mượn từ những người bạn của mình. Tuy nhiên, khi giao hàng vị “khách sộp” đã từ chối nhận hàng với lý do đang trong mùa dịch. Liên hệ trả lại hàng cho công ty thì bị chặn mọi liên lạc.

Mai Anh cho biết mình mất hơn 4 triệu đồng khi trở thành CTV bán mỹ phẩm online

Mai Anh cho biết mình mất hơn 4 triệu đồng khi trở thành CTV bán mỹ phẩm online

Mai Anh cho biết đã rất suy sụp khi mất một số tiền lớn và mang nợ bạn bè. Rất may, trong những ngày cách ly xã hội, Mai Anh được một người giới thiệu cho công việc làm shipper để vừa có thu nhập hàng ngày và kiếm thêm tiền trả nợ.

Còn chị Liên (ở Hà Đông – Hà Nội) suýt trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo nhằm chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng. Chị cho biết trong những ngày làm việc ở nhà có nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ thông báo có hai bưu phẩm gửi từ nước ngoài về. Nhân viên gọi điện hướng dẫn chị đăng nhập vào email cá nhân để hoàn thiện các bước tiếp theo để nhận bưu phẩm. Chị chia sẻ nhờ những cảnh báo của người quen nên đã không rơi vào chiếc bẫy giăng sẵn tinh vi của những kẻ lừa đảo.

Để tăng cường quản lý, thời gian qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận. Tính đến ngày 30/3, các sàn thương mại điện tử cả nước đã xử lý tổng cộng khoảng gần 16.200 gian hàng và khoảng gần 32.880 sản phẩm vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, gây bất ổn định thị trường.

Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, từ ngày 31/1 đến 12/4, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 7.965 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,66 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức độ phức tạp của công tác quản lý thị trường nói chung và thị trường online nói riêng.

Theo các ngành chức năng, công tác tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính.

Nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ tại nước ngoài, thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản.

Nguồn: [Link nguồn]

Lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản mùa Covid-19 ngày càng tinh vi

Nhiều hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng xấu tung ra trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN