Nhiệt điện than: Chờ cơ chế để xử lý tro xỉ
Nhiệt điện than có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và khó có thể tìm được nguồn khác thay thế tại Việt Nam trong nhiều năm tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, cứ nhiệt điện than là gây ô nhiễm môi trường trong khi không cần biết công nghệ của nhà máy là thế nào.
Vì vậy, cần cơ chế để xử lý các vấn đề về tro xỉ và đảm bảo môi trường… Đây là thông tin được Bộ Công Thương cũng như các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11.
Báo cáo tại hội thảo, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, về cơ bản thủy điện vừa và lớn đã được khai thác hết. Từ sau năm 2020 sẽ phải tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ ít tác động tới môi trường. Đối với các nhà máy nhiệt điện than, theo quy hoạch, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45 - 50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW. Từ năm 2017 dự kiến nhập than, lượng than nhập khoảng 85 triệu tấn vào năm 2030.
Với nguồn nhiệt điện khí, sau năm 2023 dự kiến sẽ nhập khẩu LNG để bổ sung khí cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch khi khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW. Các nguồn năng lượng tái tạo khác như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đóng góp không được nhiều, chỉ đạt khoảng 27.200 MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030.
“Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất. Năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất”, Bộ Công Thương cho biết.
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, nhiệt điện than vẫn có nhiều ưu điểm khi giá thành điện và vốn đầu tư thấp, khả năng huy động công suất lớn. Đây cũng là xu hướng được cả thế giới áp dụng. Ngay tại Trung Quốc, hiện gần 75% nguồn phát là từ nhiệt điện than với tổng công suất lên tới 1 triệu MW.
“Với một nhà máy nhiệt điện than đưa vào hoạt động, nếu muốn thay thế, phải xây dựng 3 nhà máy nhiệt điện gió cùng công suất mới đủ nguồn cung cấp điện tương đương. Còn nếu làm nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời thì tiền đầu tư còn phải lớn hơn nhiều. Dân kêu nhiệt điện than có vấn đề nhưng thực tế như ở Ba Lan, nước đang nằm ở giữa trung tâm châu Âu, mới đây đã công bố đến 2025 sẽ phát triển tới 85% nguồn cung cấp điện là từ nhiệt điện than”, ông Hiến nói.
Theo chuyên gia này, vấn đề của nhiệt điện than chỉ là áp dụng công nghệ thế nào để đảm bảo môi trường. “Như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải ở ĐBSCL với tổ máy công suất 600 MW đang áp dụng công nghệ siêu tới hạn. Đây là công nghệ rất đắt tiền và giảm lượng phát thải rất lớn, hạn chế được những vấn đề liên quan đến tiêu hao than và phát thải ô nhiễm, đặc biệt là NOx nên việc lo ngại ô nhiễm là không có cơ sở”, ông Hiến nói.
Chờ cơ chế xử lý tro xỉ
Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở các nước là nguyên liệu quý phục vụ sản xuất gạch, xi măng còn ở Việt Nam lại bị coi là chất thải, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường...cũng là vấn đề được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo. Theo Phó Giáo sư, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng nhìn nhận tro xỉ là chất độc hại thì không đúng mà phải coi nó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phục vụ xây dựng.
Nguồn nguyên liệu này lâu nay không được doanh nghiệp xử lý để tái sử dụng được đồng nghĩa chúng ta đã gây ra lãng phí. “Ninh Bình trước đây bị coi là tâm điểm gây ô nhiễm nay giờ đi vào nhà máy nằm ở ngay trung tâm Ninh Bình mọi thứ đều sạch sẽ, không có ai kêu ca về tro sỉ nữa.
Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có cách thức như nào đó để yêu cầu tất cả các nhà máy nhiệt điện phối hợp trong việc tái sử dụng tro bay, có thể quy định bằng pháp lệnh để ràng buộc chứ không phải doanh nghiệp thích thì làm, không thì thôi như hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường (Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), cũng cho hay Nhiệt điện Vũng Áng gần đây đã phải đình lại việc cung cấp tro xỉ và số lượng tồn kho đã lớn. Giờ nếu không cho vận chuyển sẽ có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy. “Các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn” - ông Thanh nói.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang coi nhiệt điện than là giải pháp quan trọng để đảm bảo cho việc cấp điện vì đây vẫn là nguồn điện giá rẻ so với năng lượng tái tạo. “Nếu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ suất đầu tư rất lớn, và giá điện cao hơn nhiều so với hiện nay, liệu chúng ta có chấp nhận được hay không”, ông Vượng nói.
Cũng theo ông Vượng, các nhà máy nhiệt điện thời gian qua trong quá trình vận hành đã để xảy ra một số vấn đề về môi trường gây sự lo ngại nhất định của người dân trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt những khó khăn trong đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. “Hiện có nhiều ý kiến về phát triển nhiệt điện than nhưng đây là xu thế các nước trong khu vực châu Á vẫn đang phải phát triển để đảm bảo an ninh năng lượng. Vấn đề là đảm bảo cho việc phát triển than như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Vượng nói.
Thận trọng với những thông tin về nhiệt điện than Phó giáo sư, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều tổ chức mang danh nghĩa khoa học lên tiếng về các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Các tổ chức này đưa ra những thông tin không đầy đủ về việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể họ đưa thông tin về việc mỗi năm có 4.500 người chết yểu vì nhiệt điện than tại Việt Nam. Các tổ chức này cho rằng đã dẫn lại kết quả nghiên cứu từ Đại học Havard. Tuy nhiên, kết quả này không được xác minh cụ thể, rõ ràng, không được các cơ quan quản lý xác nhận nên gây hoang mang cho người dân. Thậm chí các tổ chức này còn cho rằng thời gian qua Mỹ đã loại bỏ 174 nhà máy nhiệt điện than do ô nhiễm môi trường và Việt Nam cũng đã loại bỏ nhiều dự án nhiệt điện do gây ô nhiễm. “Chúng tôi đã kiểm tra lại từ Đại học Havard và kiểm tra từ các tổ chức chính thống từ Mỹ thì được biết các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động ở Mỹ là những nhà máy đã hết vòng đời dự án. Mỗi nhà máy nhiệt điện chỉ tồn tại trong vòng 30 năm. Hết vòng đời dự án thì đương nhiên phải ngừng hoạt động. Các tổ chức ở Việt Nam không cung cấp rõ thông tin về việc này nên đã gây hoang mang cho dư luận khi cho rằng các nhà máy nhiệt điện than là xu hướng cần dẹp bỏ”, ông Nghĩa nói. |