Nhanh tay, tinh mắt cầm đèn đi vạch đá săn cua đặc sản ở đảo An Bình
Dụng cụ chỉ cần đèn soi, một đoạn cây tre, gỗ to bằng ngón tay cái là có thể hành nghề. Tuy nhiên, để đi săn cua thì còn đòi hỏi người đi bắt phải tinh mắt và nhanh tay dùng que, tay chặn túm lấy trước khi con vật này lẩn trốn nhanh vào sâu phía trong kẽ đá.
Tháng 7 cũng là thời gian đỉnh điểm của mùa săn bắt cua dẹp hàng năm ở đảo An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi. Theo đó khi trời bắt đầu sập tối, người dân lại í ới mang đèn soi, can nhựa đã cắt miệng làm vật đựng đi tìm bắt con vật này.
Chỉ cần đèn pin để soi, can nhựa cắt miệng và que tre, hoặc gỗ là có thể hành nghề
Không như đồng loại sống dưới biển, cua dẹp sống ở kẻ bờ vách đá nham thạch dọc hốc kè đá mà người dân chất làm bờ ở ruộng hành, tỏi. Thức ăn của cua đá là lá, cây cỏ, rong rêu... mọc tự nhiên.
Cua dẹp sống ở kẽ bờ vách đá nham thạch dọc, hốc kè đá mà người dân chất làm bờ ở ruộng hành, tỏi. Thức ăn của cua đá là lá, cây cỏ, rong rêu... mọc tự nhiên.
Trả lời phóng viên DANVIET.VN, anh Đặng Văn Sâm, một trong những người chuyên đi bắt cua đá ở đảo An Bình cho biết: "Cua đá có nhiều và ăn ngon nhất là khoảng thời gian từ tầm tháng 5-8. Để bắt cua, ngoài thức đêm thì còn đòi hỏi "thợ săn" phải chịu khó đi dọc các bờ vách đá tìm kiếm. Bởi, màu vỏ của cua với đá rất giống nhau, tạo điều kiện để cua lẩn vào khe sâu rất nhanh mỗi khi nghe có tiếng động, ánh sáng đèn pin. Chính vì vậy mà người đi bắt phải tinh mắt để phân biệt và nhanh tay chặn bắt".
Người đi bắt phải tinh mắt và nhanh tay dùng que, tay chặn túm lấy trước khi con vật này lẩn trốn nhanh vào sâu phía trong kẽ đá.
"Mấy năm qua loài vật này bị săn bắt nhiều nên số lượng đã sụt giảm mạnh, dẫn đến lượng cua bắt được chỉ khoảng 1 kg/người/đêm", anh Đặng Văn Sâm, một trong những người chuyên đi bắt cua đá ở đảo An Bình cho biết.
Kể với phóng viên DANVIET.VN, nhiều người dân An Bình cho biết, khoảng chục năm trước, cua đá ở đây nhiều vô số mà chẳng ai bắt. Vào mùa nắng nóng, ban đêm người dân nơi đây thường ngủ không đóng cửa, cua đá bò vào ngổn ngang khắp thềm, phun bọt phì phì. Để rồi sáng ra khi thức dậy quét nhà, người dân phải vất vả để bắt vứt bỏ lại ra vườn.
Cùng với săn bắt ngoài tự nhiên, hiện một số người dân ở huyện Lý Sơn đã nuôi cua đá để bán, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Khi du lịch ở Lý Sơn phát triển, nhận thấy có chất lượng thịt thơm ngon không kém gì đồng loại sống dưới biển nên cua đá được du khách tìm mua thưởng thức và trở thành đặc sản với giá bán khá "chát" hiện trên dưới 550.000 đồng/kg.
Cua nướng than - một trong những cách chế biến cua đá được nhiều du khách ưa thích.
Dù giá không phải rẻ nhưng nhiều người vẫn tìm thưởng thức loại cua có màu trắng đặc trưng này.