Nhãn tím: Trái "lạ" thu lời cao

Trái nhãn màu tím có xuất xứ từ vùng cây trái miệt cù lao Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) với màu sắc lạ mắt đã khiến vùng quê yên ả này trở nên sôi động hơn, qua những cuộc săn tìm của giới kinh doanh cây giống cũng như sự lưu tâm của nhà nghiên cứu khoa học.

1 triệu đồng mỗi cây giống

Lần đầu tiên, trái nhãn tím hiếm hoi xuất hiện tại lễ hội Trái ngon lần thứ 13 tổ chức tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), và sau đó ra mắt tại ngày hội Sông nước miệt vườn tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hồi tuần trước. Trái nhãn lạ mắt đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người và do có số lượng ít đã khiến giá bán sỉ lên tới 80.000 đồng/kg, giá bán lẻ: 2.000 đồng/trái… cũng bị “cháy” hàng ngay những giờ đầu tiên trưng bày tại mỗi nơi. Trong khi đó, giá bán nhãn long bình thường, dù cùng giống, chỉ khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg, nhưng lại được ít người quan tâm.

Ông Trần Văn Huy (Bảy Huy), chủ nhà vườn ở ấp Phong Thạnh (xã Phong Nẫm, Kế Sách, Sóc Trăng) hiện đang sở hữu giống nhãn lạ mắt này. “Sau các kỳ lễ hội nêu trên, đã có người đề xuất hợp đồng độc quyền bao tiêu toàn bộ cây nhãn giống của tui với giá 1 triệu đồng mỗi cây, nhưng tui chưa tính toán được có nên hay không giữa lúc này”, ông Bảy Huy nói. Theo ông Huy, trước đây cũng có người từng đặt mua ông Huy mười nhánh nhãn tím với giá 1,5 triệu đồng/nhánh, nhưng ông Huy từ chối vì số lượng đặt mua không đáng kể, trong lúc ông muốn giữ nguyên tính độc đáo của giống nhãn độc quyền này. Trước sự việc cây nhãn tím ra đời, ông Nguyễn Minh Cảnh, phó chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, nói: “Ngành nông nghiệp huyện Kế Sách đang tính tới phương án hỗ trợ ông Huy đăng ký độc quyền đối với giống nhãn lạ này, trước khi tính tới chuyện bán giống”.

Xuất hiện tình cờ

Cách nay mười năm, trong vườn nhãn chuyên canh rộng cả ba công đất (3.000m2) của ông Bảy Huy, chỉ có một cây đơm ra một tược có vài hiện tượng khác thường. Ông Bảy Huy kể: “Lúc đó, phần đọt non có màu đỏ hồng, lá già dần có màu phơn phớt nâu, cành nhãn lúc còn non có màu tím thẫm. Tới mùa khiển cho nhãn ra bông năm đó, nhánh nhãn này cũng cho vài chùm trái non có màu tím như trái nho. Con nít trong vùng thấy lạ nên lén lút bẻ trái khi chưa kịp chín, nên tui chưa biết trong ruột ra sao. Đau lòng hơn, cả nhánh nhãn lạ mắt cũng bị làm gãy mất tiêu”.

Nhãn tím: Trái "lạ" thu lời cao - 1

Ông Bảy Huy bên chùm nhãn tím còn non

Tuy nhiên, may mắn thay, trong thân cây mẹ (tại vị trí mọc ra nhánh nhãn màu tím đã bị gãy) vẫn còn một nhánh non có đặc điểm tương tự. “Phải chiết ra, đem về trồng gần nhà để tiện bề gìn giữ, theo dõi, chăm sóc”, ông Huy thầm nghĩ và đã làm như vậy, do vườn nhãn của ông Huy nằm cách nhà ở của ông vài trăm thước. Từ đó, từ một nhánh nhãn lạ mắt mọc ra từ cây mẹ là giống long nhãn bình thường, đến nay, bên hiên nhà của ông Huy có khoảng chục cây nhãn tím, trong đó có bốn cây nhãn lớn đang cho trái, bình quân mỗi cây có thể cho thu hoạch 20kg/năm. Ông Huy xem đây là lộc trời cho nên chỉ để dành tặng cho những người bạn quý thưởng thức, và nếu có bán thì chỉ bán cho những người quen thuộc khi mùa nhãn chín trùng với dịp lễ tết, hay có đám tiệc với giá 50.000 đồng/kg.

Bất ngờ liên tiếp

Mùng 5.5 vừa rồi, một người quen ở địa phương đã nài nỉ ông Huy để mua cho bằng được khoảng 6kg nhãn tím, đưa đi tham dự lễ hội Trái ngon tổ chức tại Chợ Lách (Bến Tre). Sau khi cảm nhận được tính độc đáo của giống nhãn tím, ông này trở về bàn bạc, hợp tác với ông Huy chiết nhánh bán giống thông qua hợp đồng độc quyền bao tiêu. Ngày hội Sông nước miệt vườn tổ chức tại Sóc Trăng cuối tuần rồi, đại diện UBND xã Phong Nẫm cũng đặt mua ông Huy khoảng 5kg nhãn (50.000 đồng/kg) đem dự triển lãm.

Những người lần đầu tiên thưởng thức trái nhãn tím đã nhận xét, do đây là nhánh mọc ra từ cây mẹ là giống long nhãn, nên hình thù trái hoàn toàn giống cây mẹ, cơm nhãn cũng có màu trắng, hương vị cũng giống nhãn long, nhưng chỉ khác ở màu lá, màu trái… tím. Qua thử nghiệm nhiều năm, ông Bảy Huy cho biết: “Đó là cây nhãn long có màu tím thay vì màu xanh như thông thường. Hột nhãn lớn, chẻ ra bên trong ruột đôi khi cũng có màu tím (thay vì trắng đục như nhãn bình thường), nhưng khi đem gieo có lúc lại mọc lên cây long nhãn như bình thường”. Còn ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre), thành viên ban tổ chức lễ hội Trái ngon thứ 13, thừa nhận: “Huyện Chợ Lách qua 12 năm tổ chức hội trái ngon, chưa từng nhìn thấy trái nhãn có màu tím bao giờ”.

Nhận xét về cây nhãn tím, tiến sĩ Võ Công Thành, bộ môn di truyền – chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học, khoa nông nghiệp (đại học Cần Thơ) cho biết: “Đây là hiện tượng đột biến khá lạ trên cây nhãn có liên quan tới di truyền. Muốn rõ hơn về hiện tượng này, cũng như những biến đổi (nếu có) trong chất lượng trái, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn”. Hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có trên 40.000ha nhãn các loại, tập trung lớn nhất tại Vĩnh Long với trên 9.000ha, nhưng hầu như chưa có nơi nào có cây nhãn cho trái màu tím như ở Sóc Trăng. Liệu giống cây này có đem lại giá trị lớn hơn cho chủ vườn đang sở hữu nó?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Tùng (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN