Nhân rộng mô hình bình ổn giá

53/63 tỉnh, thành đã triển khai chương trình tích trữ hàng Tết, hàng bình ổn thị trường; 33 địa phương thực hiện bình ổn với tổng số tiền 1.500 tỉ đồng.

Ngày 25-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2014.

Giá hàng hóa không tăng cao

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2014, tình hình triển khai Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2014 tăng 0,69% so với tháng 12-2013, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, CPI dịp Tết Nguyên đán tăng không cao là nhờ chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa cùng với việc sức mua tăng không lớn (20%-25% so với ngày thường).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết lý do dẫn đến giá hàng Tết năm nay không tăng nhiều vì nguồn hàng chuẩn bị dồi dào, kể cả thực phẩm tươi sống. Mặt hàng tăng giá nhiều nhất là thịt bò (9%-10% so với cùng kỳ), riêng giá gia cầm tăng không đáng kể (4%); rượu bia tăng mạnh từ 15%-20% so với thông thường và 7% so với cùng kỳ. Mặt khác, việc bố trí mạng lưới 10.000 điểm bán hàng và trung tâm thương mại, siêu thị kéo dài thời gian phục vụ (mở sớm, đóng muộn) đã thay đổi thói quen trữ hàng Tết của người dân.

Nhân rộng mô hình bình ổn giá - 1

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (TP HCM) trong những ngày giáp Tết Ảnh: Hồng Thúy

Theo ông Hoàng, đã có 53/63 tỉnh, thành triển khai chương trình tích trữ hàng Tết, hàng bình ổn thị trường. Có 33 địa phương thực hiện bình ổn với tổng tiền 1.500 tỉ đồng. Các thành phố lớn như TP HCM đã kết hợp với 13 tỉnh, thành khác để chuẩn bị hàng Tết. “Đáng mừng là lượng hàng hóa Tết ở  các siêu thị tại TP HCM có đến 90%-95% là hàng trong nước sản xuất” - ông Hoàng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng các bộ chỉ đạo nhân rộng bình ổn giá như TP HCM đã làm rất tốt với sự phối hợp giữa chính quyền cùng doanh nghiệp (DN) và kết quả là người dân được lợi. Thủ tướng cho rằng với việc tập trung kiềm chế lạm phát đúng hướng trong 3 tháng gần đây, việc kiểm soát CPI dưới 7% là khả thi.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Văn Bình - các ngân hàng thương mại lo đủ lượng tiền tại các cây ATM.

Nhiều người lao động không có thưởng Tết

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết hầu hết các DN thưởng Tết cho người lao động 1 tháng lương (bình quân 4,4 triệu đồng/người), tăng 20% so với mức thưởng của năm 2013. Tuy nhiên, còn 118.000 lao động thuộc 420 DN tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết.

Cũng theo ông Vinh, từ ngày 16-12-2013 đến hết ngày 15-1-2014, cả nước đã xảy ra 1.013 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 900 người và bị thương 592 người. So với tháng cùng kỳ của năm 2013, số vụ TNGT tăng 4,22%; số người chết tăng 1,12%; số người bị thương tăng 2,07%.

Về TNGT cao cả về số vụ, người chết và bị thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng phân trần rằng thực tế số người chết do TNGT tăng không như báo cáo. Qua kiểm tra, Văn phòng Bộ Công an phát hiện nhiều địa phương “giữ” số lượng người chết tháng trước (năm 2013) chuyển sang tháng sau (năm 2014) để báo cáo “đẹp” dẫn đến con số tháng 1 tăng lên.

Cũng theo ông Thăng, Bộ Công an đã cử 14 đoàn, Bộ GTVT cử 10 đoàn đi kiểm tra phương tiện giao thông phục vụ Tết. Bộ GTVT đã chỉ đạo các địa phương phải cung ứng đủ xe phục vụ người dân về quê ăn Tết. Nếu thiếu xe thì huy động cả xe giám đốc bến xe, công ty vận tải. Ngoài ra, nhiều KCN, DN thuê xe hoặc cả chuyến tàu đưa công nhân về quê nên giảm áp lực, cộng với thời gian nghỉ trước và sau Tết giãn ra nên áp lực giao thông đã được cải thiện so với mọi năm.

Chốt lại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành, địa phương phải tập trung lo Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đủ phương tiện đi lại.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngay sau Tết Nguyên đán, các bộ ngành, địa phương, cơ quan phải bắt tay ngay vào việc, bám sát nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết 01 là thể hiện chỉ đạo của trung ương và nghị quyết của Quốc hội.

Sắp có Luật Căn cước công dân

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên - trình bày nội dung tóm tắt dự án Luật Căn cước công dân do Bộ Công an xây dựng dự thảo. Dự luật có 5 chương, 34 điều và điều chỉnh 5 vấn đề: quy định căn cước công dân; quyền và nghĩa vụ công dân và các cơ quan nhà nước về căn cước công dân; cơ sở dữ liệu căn cước công dân; quy định về nội dung, thủ tục cấp, đổi, thu hồi giấy tờ về căn cước công dân, quản lý căn cước công dân.

Dự kiến, dự án Luật Căn cước công dân sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tháng 6-2014.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lãnh lương hơn 2,6 tỉ đồng/năm

Cũng tại phiên họp này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP vừa rà soát lương, thưởng cuối năm 2013 và phát hiện có lãnh đạo DN lương cao tới hơn 2,6 tỉ đồng/năm. Mức thu nhập “khủng” này đã soán ngôi cả lãnh đạo 4 DN công ích được phát hiện và xử lý trong năm 2013 và chưa thể làm rõ đúng hay sai vì các vị trí lãnh đạo này đều kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Có điều, đây là mức lương mà DN này trả cho lãnh đạo trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này. Cụ thể là mức lương chi trả không quá 36 triệu đồng/tháng, nếu có thưởng thêm thì cũng không quá 54 triệu đồng/tháng. Trong một vài ngày tới, TP sẽ chính thức hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét việc chi trả mức lương “khủng” đúng sai ra sao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN