Nhầm tưởng về dịch tả lợn châu Phi, tiêu thụ thịt lợn giảm hẳn
Những ngày qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số tỉnh miền Bắc đã khiến thị trường thịt lợn bị ảnh hưởng rõ rệt. Tại Lạng Sơn, mặc dù cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã tăng cường chống dịch, nhấn mạnh loại bệnh này không lây sang người, song sức mua các sản phẩm từ thịt lợn trên thị trường vẫn giảm.
Khắp nơi “căng mình” chống dịch
Hữu Lũng là huyện có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại đây đã và đang hình thành các vùng chăn nuôi tập trung như: nuôi trâu ở các xã: Hòa Sơn, Tân Thành, Hòa Thắng, Đồng Tân, Hữu Liên; nuôi dê ở: Thanh Sơn, Thiện Kỵ, Quyết Thắng, Hòa Sơn, Tân Lập, Yên Thịnh; nuôi lợn ở Đồng Tiến, Minh Hòa, Minh Sơn, Vân Nham, Yên Bình, Thiện Kỵ...
Trước thực trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 10/63 tỉnh, thành và khả năng lây lan rất cao, mới đây UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành các văn bản triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất các phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra trực tiếp các hộ chăn nuôi và mở lớp tập huấn phòng chống, xử lý khi dịch bệnh xảy ra cho cán bộ thú y các xã.
Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang có xu hướng giảm do người chăn nuôi lo dịch bệnh bùng phát nên xuất bán bớt tránh những thiệt hại lớn về kinh tế.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng phối hợp tuyên truyền cho người dân trong những buổi họp thôn, xã và giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn…
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Tổng đàn lợn của huyện khoảng 50.000 con, do đó Trung tâm luôn chủ động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, cảnh báo dịch bệnh cho người dân; phổ biến cách phòng, chống các loại dịch bệnh. Từ tháng 2/2019, huyện đã nhập bổ sung 900 lít hóa chất và cấp phát cho các xã, thị trấn để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, nhất là những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Các hộ nuôi cũng rất chủ động vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng người và phương tiện ra vào. Đồng thời, chúng tôi cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không mua bán lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, phải thực hiện tiêm phòng đủ các loại vaccine… Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, song mọi hoạt động phòng chống dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được triển khai" - bà Nhung nói.
Hạ đàn, sức mua giảm rõ rệt
Là một trong những hộ chăn nuôi lớn ở huyện Hữu Lũng, anh Nguyễn Hồng Minh ở thôn Cã Trong, xã Minh Sơn khá lo lắng trước thực trạng dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp.
Anh Minh cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng duy trì đàn lợn gần 1.000 con, trong đó có 60 con nái, hơn 900 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm xuất bán 100 tấn lợn ra thị trường. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin về dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và chưa có thuốc chữa, tỉ lệ chết rất cao nên từ sau Tết, gia đình tôi đã xuất bán dần lứa lợn có cân nặng từ 80-90kg. Trước tết, tôi còn bán lợn hơi với giá 48.000 đồng/kg thì hiện giá lợn hơi giảm nhanh, chỉ còn 42.000 đồng/kg. Hiện tại nhà tôi chỉ còn hơn 100 con lợn thịt nhỏ và 60 con lợn nái”.
"Hàng ngày gia đình tôi đều theo dõi các bản tin thời sự, nghe báo đài để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Hiện tại khu vực chuồng nuôi của gia đình cách ly nghiêm ngặt, không tùy tiện cho người ngoài ra vào. Ngay cả cám, thức ăn mua về cũng không di chuyển thẳng vào khu vực chuồng nuôi như mọi khi mà xe chở sẽ đỗ ở ngoài, phun hóa chất xong mới được di chuyển vào khu vực chuồng trại" - anh Minh nói.
Hiện tại khu chuồng trại của gia đình anh Minh quản lý ra vào nghiêm ngặt, con người, xe cộ từ bên ngoài đều không được ra vào gần khu vực chuồng nuôi của gia đình.
“Do dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng nên hiện tại, tôi chỉ có thể làm tốt công tác phun hóa chất thường xuyên, không cho người ngoài ra vào gần khu vực chăn nuôi để đảm bảo an toàn. Điều đáng lo là nhiều người chưa hiểu đúng bản chất về dịch bệnh này nên nhầm tưởng virus lây qua người, dẫn tới quay lưng với thịt lợn. Điều này đang gây ảnh hưởng rất lớn tới người chăn nuôi chúng tôi”, anh Minh lo lắng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên trưa ngày 8/3, tại các chợ Bờ sông, Đông Kinh Giếng Vuông… của TP. Lạng Sơn, giá thịt lợn loại ngon vẫn dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt ba chỉ là 80.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 85.000 đồng/kg. Dù vậy, sức mua thịt lợn của người dân xứ Lạng đã giảm hẳn so với trước thời điểm có dịch.
Trời đã về chiều nhưng các hàng bán thịt lợn tại khu vực chợ Bờ sông, TP.Lạng Sơn vẫn xếp hàng bày bán la liệt rất khác so với những ngày thường trước đó cho thấy sức mua của người tiêu dùng đang giảm dần.
Chị Nguyễn Hà Thu (P.Vĩnh Trại) cho biết: "Thấy tivi, báo đài nói nhiều về dịch tả lợn châu Phi, là người tiêu dùng nên tôi cũng rất lo lắng. Dù biết là dịch tả không lây sang người, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn khá lo ngại nên chỉ ưu tiên các món trứng, cá, thịt bò... Hôm nào đi chợ tôi cũng đau đầu vì không biết nấu món gì cho gia đình."
Tại chợ bờ sông, ngày bình thường các hàng bán thịt lợn chỉ có nhiều vào buổi sáng, buổi chiều hầu như bán hết sạch nhưng mấy ngày gần đây, các cửa hàng bán thịt lợn khá ế ẩm. Chị Yến, một người bán thịt lợn tại TP.Lạng Sơn cho biết: "Thời điểm trước Tết, mỗi ngày tôi bán 3-4 con lợn nhưng hiện tại ngày chỉ mong bán hết 1 con. Nhiều người dân đang nhầm tưởng dịch tả lợn châu Phi lây sang người nên nhu cầu về thịt lợn giảm hẳn."
Không nên hoang mang, tẩy chay thịt lợn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh trên người. Do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn… Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như: nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh… |