Nhà vườn TPHCM thấp thỏm trước vụ hoa, kiểng Tết Nguyên đán
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà vườn tại TPHCM phải giảm số lượng hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Những ngày giữa tháng 11, các nhà vườn tại quận 12 và huyện Hóc Môn (TPHCM) đang tất bật với việc chuẩn bị hoa, kiểng cho vụ Tết sắp đến.
Theo một số chủ vườn tại đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, do năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón đều tăng nên họ phải giảm quy mô số lượng hoa, kiểng Tết so với những năm trước.
Ngoài các lý do trên còn có vấn đề nhân công thiếu hụt vì dịch bệnh. Do đó, các vườn hoa, kiểng chủ yếu phải hoạt động theo quy mô hộ gia đình.
Những chậu cây sống đời được chăm sóc để kịp ra hoa vào vụ Tết.
Còn khoảng 70 ngày nữa là đến vụ hoa Tết, trong khi đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều nhà vườn tỏ ra khá lo lắng cho thị trường năm nay.
Một số chủ vườn mai tại quận 12 cũng bắt đầu chăm sóc, cắt tỉa cây cho vụ hoa Tết năm nay.
Lo ngại giao thông khó khăn, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng và thương lái ép giá, nhiều nhà vườn trồng cây kiểng tại quận 12 cho rằng cần cân đối sản lượng và kích cỡ cây.
Theo nhiều chủ vườn dự đoán, do tình hình dịch bệnh nên thị trường hoa năm nay sẽ khá ảm đạm. Do đó, nhiều vườn chỉ duy trì trồng mỗi loại hoa theo số lượng nhất định để mối cho bạn hàng.
Bà Trịnh Thị Kim Lan, Chủ vườn tại đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 cho biết: “Năm nay giá cả phân, thuốc đều tăng, nhân công lại không có. Do đó tôi phải giảm khoảng một nửa diện tích và cũng trồng ít hơn một nửa so với năm trước. Vấn đề đáng lo nhất là tình hình dịch bệnh sắp tới có thể khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn”.
Ngoài một số vườn hoa tại quận 12, các vườn hoa, kiểng tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và TP.Thủ Đức... cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch Tết. Tuy nhiên, tình hình chung năm nay các vườn đều đồng loạt chủ động giảm số lượng hoa, kiểng vì những dự báo không mấy khả quan của thị trường hoa Tết sắp đến.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong đó có một loài hễ đẻ trứng là “hốt bạc”, giá lên tận 20 triệu đồng/kg trứng.