Nhà máy đường đối mặt nguy cơ phá sản
Lượng đường tồn kho tăng cao, trong khi hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ đường tiểu ngạch khó khăn... Doanh nghiệp mía đường đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản khi niên vụ mới 2013 – 2014 đang cận kề.
Dư thừa nhưng khó xuất khẩu
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường các nhà máy sản xuất được trong niên vụ 2012 – 2013 đạt khoảng 1,53 triệu tấn, cùng với lượng đường tồn kho đầu vụ khoảng gần 800.000 tấn và khoảng 70.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết WTO, tổng lượng đường trong nước có khoảng 1,78 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo ở mức 1,35 triệu tấn. Trước tình hình này, đầu vụ sản xuất 2012 – 2013, VSSA cùng Bộ NNPTNT đã đề nghị Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiểu ngạch 300.000 tấn.
Thu hoạch mía tại vùng mía nguyên liệu Hậu Giang.
Tháng 3.2013, Bộ Công Thương đồng ý cho phép DN xuất khẩu nhưng không quá 200.000 tấn đường RS (đường chưa qua tinh luyện), thời gian xuất khẩu trong 3 tháng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6.2013, lượng đường xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai) chỉ xấp xỉ 100.000 tấn. Sau khi được gia hạn thời gian xuất khẩu đến hết tháng 7.2013, lượng đường xuất khẩu các DN thực hiện được cũng chỉ đạt hơn 123.000 tấn đường RS. Trong khi đó, ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký VSSA cho biết, tính đến ngày 20.9, cả nước vẫn còn tồn kho 208.500 tấn tại các nhà máy và gần 10.500 tấn tại các công ty thương mại thuộc VSSA.
Khó đối chọi đường lậu
Ông Đỗ Thành Liêm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa cho biết, hiện, đường nhập lậu có khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm. Đường lậu từ nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của các nhà máy đường do giá bán thấp, số lượng rất lớn, chiếm đến 30% thị trường trong nước hiện nay. Theo ông Liêm, giá đường nhập lậu tại Việt Nam hiện chỉ 12.700 – 12.800/kg RE (đường tinh luyện), trong khi đó, mặt hàng này do các nhà máy trong nước sản xuất đang bán với giá 14.500 – 15.000 đồng/kg.
Theo dự báo của VSSA, lượng đường sản xuất trong vụ mía mới 2013 – 2014 sẽ tăng lên mức 1,6 triệu tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với vụ mía trước, lượng đường tồn kho cũng tăng gấp đôi so với 2013. Ngoài ra, dự báo cả nước sẽ dư thừa 500.000 – 600.000 tấn đường, chưa kể lượng đường lậu tham gia thị trường.
Ông Lê Văn Thanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn thì cho rằng, không thể giảm giá đường xuống nữa. Vì nếu giảm giá đường, nghĩa là phải giảm giá mía, mà giá mía hiện chỉ khoảng 600.000 – 700.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường. Ở mức giá này người trồng mía đã lỗ rồi. Ông K.V.S.R Subbaiah - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp K.C.P Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể đề nghị WTO không tiếp tục cấp quota nhập khẩu đường khi sản xuất trong nước đã dư thừa. Trong trường hợp không ngăn chặn được đường nhập lậu, Chính phủ cần xem xét bỏ thuế VAT 5% cho mặt hàng đường sản xuất trong nước để tạo thế mạnh cạnh tranh cho sản phẩm...