Nhà máy điện của EVN lãi tới 400%

Hàng loạt công ty ngành điện báo cáo lợi nhuận năm 2012 tăng đột biến, từ gấp rưỡi đến gấp 3-4 lần năm trước. Còn riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri, mức lợi nhuận khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng.

Lãi cao nhất tới 400%

Báo cáo tài chính quý III-2012 của các doanh nghiệp ngành điện cho thấy hầu hết các công ty thủy điện thuộc EVN hoặc do EVN nắm giữ vốn chi phối có mức lợi nhuận khủng nhờ giá bán điện tăng và nước về các hồ chứa dồi dào trong các tháng của năm.

Nhiều đơn vị thu lợi nhuận tăng gấp 3, thậm chí tới gần 400% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu do sản lượng tăng và nhờ giá bán điện bình quân tăng.

Trong báo cáo quý mới nhất, Cty Cổ phần Thủy điện Thác Bà (thuộc EVN), kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 lợi nhuận sau thuế đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 303,5% so với cùng kỳ năm trước. Cộng với lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 59,06 tỷ đồng, tăng 7 lần so cùng kỳ năm trước.

Nhà máy điện của EVN lãi tới 400% - 1
Năm 2012 EVN và nhiều DN ngành điện lãi lớn nhưng vẫn 2 lần tăng giá điện (ảnh chụp tòa tháp đôi của EVN mới khánh thành tại Hà Nội).

Theo đại diện công ty, nguyên nhân lợi nhuận quý 3 tăng mạnh so với cùng kỳ là do giá điện quý 3 cao hơn so với giá điện tạm hạch toán của năm trước. Ngoài ra, sản lượng điện thương phẩm tăng 65% so với cùng kỳ cũng góp phần làm tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty.

Tại Cty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, đơn vị EVN đang nắm hơn 30,5% vốn điều lệ.

Theo ông Võ Thành Trung, Giám đốc Cty, năm 2012, công ty sản xuất với tổng sản lượng điện ước đạt 850 triệu kWh, tổng doanh thu đạt 567,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 360,4 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3-2012, số dư khoản nợ Cty cho EVN vay đạt 100 tỷ đồng, riêng khoản doanh thu lãi vay từ EVN lên tới 34,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cty còn có khoản phải thu thương mại với EVN lên tới 199,36 tỷ đồng, tăng 75,11 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Hàng loạt Cty trong và ngoài ngành điện khác cũng báo lãi lớn trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Kết quả kinh doanh quý 3 của Cty CP Thủy điện Ry Ninh II thuộc Tổng Cty Sông Đà, đạt 20,05 tỷ đồng, lãi thuần đạt 7,13 tỷ đồng, tăng 26% so với quý cùng kỳ năm 2011. Lũy kế 9 tháng, Cty lãi 8,71 tỷ đồng, tăng 45% so với 9 tháng đầu năm 2011.

Với kết quả kinh doanh khá khả quan, ông Khương Đức Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty đã ký nghị quyết phê duyệt kế hoạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2013 với mục tiêu sản xuất 52 KWh, đạt tổng doanh thu 42,95 tỷ đồng.

Dự tính lợi nhuận trước thuế của đơn vị đạt 14,95 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,97 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận khá cao như vậy, Cty đặt mục tiêu thu nhập bình quân của 84 cán bộ công nhân viên thuộc Cty trong năm nay đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung, theo Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Nam, doanh thu thuần trong quý đạt 16,9 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, Cty lãi trước thuế 4,6 tỷ đồng tăng 170,5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhờ thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm nên lợi nhuận sau thuế của đơn vị tăng lên 5,16 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với quý 3 của năm trước.

“Lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, Cty đạt hơn 93 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 49,5 tỷ đồng tăng 108,8% so với 9 tháng đầu năm ngoái”- Đại diện Cty cho biết.

Cty cổ phần Thủy điện Thác Mơ cũng thông báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt gấp 2 lần kế hoạch cả năm 2012 đã được đại hội cổ đông thông qua trước đó.

Lãnh đạo đơn vị cho biết, sản lượng điện quý 3 tăng 9,2% nhờ lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Mơ tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia huy động 2 tổ máy nhà máy thủy điện Thác Mơ chạy nhiều hơn, sản lượng điện sản xuất đạt 266,7 triệu kwh, tăng 9,2% so với cùng kỳ là nguyên nhân khiến doanh thu tăng 29,4%.

“Kết thúc quý 3, Cty lãi tổng cộng 40,68 tỷ đồng sau thuế, tăng 23,64% so với quý 3 của năm ngoái. Lũy kế 9 tháng trước đó, công ty lãi ròng 86,7 tỷ đồng”- Đại diện Cty cho biết.

Ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc nhà máy thủy điện Trị An cũng xác nhận Cty năm vừa rồi đã phát điện vượt khá nhiều so với năm 2011. “Sản lượng bình quân theo thiết kế của nhà máy khoảng 1,7 tỷ kWh nhưng năm 2012 chúng tôi phát khoảng 2 tỷ kWh. Nhờ việc phát vượt này và là đơn vị hạch toán phụ thuộc nên tập đoàn mới có lãi nhiều”- Ông cho biết.

Lãi lớn sao vẫn tăng giá?

Nhà máy điện của EVN lãi tới 400% - 2

Năm 2012 nhiều DN ngành điện lãi lớn nhưng EVN vẫn tăng giá điện tới 2 lần (10%). (Ảnh chụp tòa tháp đôi của EVN mới được khánh thành). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hiện EVN chưa công bố lợi nhuận năm 2012, tuy nhiên trong kế hoạch, dự tính năm nay tập đoàn này lãi 3.500-4.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản lợi nhuận từ việc tăng giá điện 5% từ ngày 20-12-2012, vì lợi nhuận này (khoảng 4.000 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí tăng thêm) được hạch toán vào năm 2013.

“Trước khi tính đến việc tăng giá điện, EVN phải tính tới việc làm giảm bớt các chi phí không cần thiết cũng như cải tổ bộ máy quản lý yếu kém hiện nay. Đặc biệt, phải giảm nhanh mức tổn thất điện năng, vì hết năm 2012 tổn thất điện năng vẫn 9,8%. Đây là mức cao so với khu vực, nên nếu EVN cứ giảm thêm được 1% tổn thất điện năng, thì đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, đỡ phải tăng giá điện”.

Một lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng cho biết

Một chuyên gia ngành điện khẳng định với Tiền Phong, lợi nhuận thật sự trong năm 2012 của EVN có thể cao hơn mức dự tính của tập đoàn này do nhiều khoản chi phí được giảm trừ, cũng như các khoản lợi nhuận khác chưa được tính đầy đủ như: Lợi nhuận thu về từ đầu tư ngoài ngành, cổ tức từ các nhà máy do EVN nắm quyền chi phối, góp vốn cũng như số tiền thu được từ các khoản khác như cho thuê cột điện, thu tiền từ chuyển giao EVN Telecom cho Viettel….

Chính vì vậy, lợi nhuận thật sự của ngành điện chỉ khi kiểm toán mới xác định được.

Trao đổi với PV, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, phải xem lại việc tăng giá điện của EVN trong năm vừa rồi, bởi họ lãi lớn nhưng vẫn tăng giá tới 2 lần (10%).

“Lạm phát năm 2012 thấp (dưới 7%), tỷ giá ổn định, trong khi các nhà máy thủy điện của ngành được huy động nhiều và đang lãi lớn. Việc điều chỉnh giá điện đã quy định rõ là dựa trên các chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vì thế phải kiểm tra lại chi phí đầu vào của EVN năm qua có tăng không?

Hơn nữa trong bối cảnh kinh tế giảm phát, sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp khó khăn thì việc tăng giá như vậy có hợp lý không? Đây là việc cần xem xét. Còn doanh nghiệp quản lý không tốt dẫn đến việc phải tăng giá điện thì chả khác gì bắt người dân, doanh nghiệp gánh “sự yếu kém” cho mình”- Ông Long nói.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, sau khi tăng giá thêm 5% hồi tháng 7-2012, giá điện bán lẻ lên mức 1.506 đồng/KWh (tương đương 7,2 cent/kWh) và không phải là thấp so với một số nước. Với mức giá điện tăng thêm 5% nữa thì giá điện đã tăng tương ứng gần 8 cent/kWh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN