Nhà giàu Việt bỏ chục triệu “săn” chim công ăn Tết

Thịt chim công - món ăn "cung vua phủ chúa" đang được một số người giàu có săn tìm để làm thực phẩm, quà biếu. 

Món ăn vương giả

Cận Tết Nguyên đán, nhiều người tìm đến tận các trang trại lựa chọn đôi công ưng ý nhất làm quà biếu, chơi cảnh. Đặc biệt, một số người lại mua chim công về chế biến món ăn.

Nhà giàu Việt bỏ chục triệu “săn” chim công ăn Tết - 1
Mỗi con công trưởng thành nặng từ 5-6kg, giá của chúng từ 5-10 triệu/ con

Ngoài tự nhiên, loài chim công thường sống trong rừng sâu, trên các gò đồi hoang dã hoặc cây cao nên việc săn bắt hoàn toàn không dễ dàng. Thêm vào đó, “nem công chả phượng” vốn được mệnh danh là món ăn đẳng cấp dành riêng cho bậc vua chúa, yến tiệc cung đình càng khiến nhiều người tò mò.

Là người tiên phong nuôi công sinh sản, anh Trần Nhữ Giáp - chủ trang trại Vườn chim Việt (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, số lượng khách đến mua chim công tại trang trại dịp này tăng đột biến.

“Trước đây, người chơi tìm mua một đôi chim công để làm cảnh cũng đã khó khăn. Còn việc mua chim công chế biến món ăn thì ít người dám nghĩ tới. Tuy nhiên, loài chim này lại dễ nuôi, sinh sản nhanh nên giá thành không còn quá đắt đỏ”, chủ trang trại nói.

Từ năm 2009, chi cục kiểm lâm Hà Nam chính thức cấp phép nuôi công sinh sản cho cơ sở đầu tiên của anh Giáp đặt tại Lý Nhân, Hà Nam. Đến nay số lượng công ở trang trang trại của anh Giáp đã lên đến hơn 500 con trưởng thành. Mỗi con công trưởng thành nặng từ 5-6 kg, giá bán tại trang trại từ 5-10 triệu/con.

Nhà giàu Việt bỏ chục triệu “săn” chim công ăn Tết - 2
Anh Trần Nhữ Giáp - chủ trang trại Vườn chim Việt (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) là người tiên phong nuôi chim công sinh sản thành công tại Việt Nam. 

Anh T.M.Đ, trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu ở Tây Hồ (Hà Nội) mua 1 đôi công giá 20 triệu để làm quà biếu. Anh chia sẻ: “Biếu sếp rượu Tây, đồ ngoại nhiều cũng nhàm, tôi quyết định mua đôi công làm quà, vừa "độc" lạ lại sang trọng”.

Anh Vũ Văn Nghĩa - chủ doanh nghiệp gỗ ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) lái ô tô mấy chục cây số đến mua 1 đôi công để chế biến món ăn trong ngày Tết. Anh Nghĩa cho biết: “Mấy năm gần đây nhà tôi ăn Tết bằng gà Đông Tảo. Tôi nghe nói thịt chim công rất ngon và bổ dưỡng, đặc biệt có thể giải độc tố trong máu nên muốn cả nhà được thưởng thức trong ngày Tết. Giá đôi công cũng không quá cao, chỉ tương đương với cặp gà Đông Tảo”.

Theo đông y nghiên cứu, về dưỡng chất, thịt công vị ngọt mặn, tính mát. Thịt công là món ăn quý nhờ mang giá trị cao về dinh dưỡng. Đặc biệt chúng có tính giải độc, khi hấp thụ vào máu người ăn, dưỡng chất từ thịt công giúp giải độc tố cho cơ thể. Chính đây là điều then chốt để hiểu vì sao nem công lại là món ăn dành cho vua chúa. Nhiều người ví von nó là "món ăn hộ mệnh" của bậc đế vương. 

Mua công làm cảnh chơi Tết

Ngoài mục đích mua chim công làm thực phẩm, nhiều người có sân vườn rộng còn mua công về làm cảnh trong ngày Tết.

Nhà giàu Việt bỏ chục triệu “săn” chim công ăn Tết - 3
Chim công thuộc họ trĩ bộ gà nhưg sức đề kháng tốt hơn gà, nuôi sinh sản rất dễ dàng.

Nghệ sĩ hài Quang Tèo cũng mua 1 đôi công để trang trí cho nhà vườn của mình dịp Tết. Anh chia sẻ: “Màu sắc sặc sỡ của chim công làm cho khu vườn nhà trở nên sinh động hơn. Nhìn công múa rất vui mắt, tôi hy vọng nó đem lại nhiều niềm vui và may mắn cho gia đình trong năm mới”.

Nhiều người cho rằng lông chim công không chỉ có vẻ đẹp thuần túy bên ngoài mà nó còn có khả năng thu hút năng lượng của trời đất. Bởi bộ lông đuôi của chúng vừa có thể chạm đất, vừa có thể chỉ thiên. Bên cạnh đó, những chấm tròn trên lông đuôi còn giống với đồng tiền. Thời xưa, chỉ có quan ngũ phẩm trở lên mới được dùng mũ cắm lông chim công. Chính vì vậy, người ta tin rằng loài chim này tượng trưng cho quyền uy, đem lại may mắn tài lộc cho gia đình.

Chim công thuộc họ trĩ bộ gà, được nuôi chủ yếu bằng ngô, đậu, sắn, rau cỏ… Theo anh Trần Nhữ Giáp, sức đề kháng của chim công tốt hơn gà, nuôi sinh sản rất dễ dàng. Chim mái mỗi năm đẻ hơn 40 trứng. Chim giống nuôi 2 năm thì trưởng thành và sinh sản. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN