Nguy cơ xóa sổ vùng rau an toàn của HN

Hà Nội từng đổ nhiều công sức, tiền bạc xây dựng vùng rau an toàn với tham vọng đẩy mạnh quy mô, nhưng bi kịch là khi rau độc hại tràn lan, người dùng chi tiền triệu mua máy khử độc còn rau an toàn ngoi ngóp vì "rau bẩn" trà trộn, lấn át.

Vàng thau lẫn lộn

Về Vân Nội – Đông Anh vào ngày đầu đông, đúng đợt thu hoạch rau vụ đông như su hào, bắp cải, cà chua, cải thảo … nhưng người trồng rau không mặn mà khi nói về mô hình rau an toàn xã đã thực hiện, giá bán cào bằng so với rau không an toàn, địa điểm bán tại chợ cùng với các loại rau mang tới từ các xã khác không an toàn, tâm lý người mua buôn thích đẹp, rẻ không chú trọng mác an toàn.

Chị Nguyễn Thị M có mặt trên cánh đồng rau giống thôn Vân Trì – Vân Nội cho hay: Rau an toàn thì mà làm gì, tất cả đều mang ra chợ bán như nhau, của ai giá rẻ, hàng đẹp thì đắt khách, cứ mang mác an toàn ra quảng cáo đắt hơn một giá thôi cũng cứ ngồi đấy.

“An toàn và không an toàn cứ nhộn nhạo hết, vì thế để bán được cạnh tranh với hàng nơi khác thì phải đẩy giá xuống thôi chứ cứ chả lẽ ngồi chịu ế”, chị M nói thêm.

Nguy cơ xóa sổ vùng rau an toàn của HN - 1

Những cánh đồng rau thuộc xã Vân Nội - Đông Anh - HN đã từng là khu thí điểm trồng RAT của Thành phố nhưng nay nhiều hộ đã bỏ rào lưới, túi bóng mà trồng ngoài trời. 

Nói về những cửa hàng rau sạch mang mác rau Vân Nội trên địa bàn Hà Nội, người trồng rau Vân Nội cho biết: Các hàng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội về đây lấy hàng họ cũng chỉ ra chợ, khu tập kết tất cả các loại rau rồi lựa chọn mang về sau đó dán tem mác là chuyện của họ. Vân Nội có tiếng rau an toàn rồi nên cứ nghĩ về đây tất cả đều an toàn, có biết đâu rau từ xã khác đổ về Vân Nội còn đông hơn.

“Chúng tôi chỉ mang rau lên chợ tập kết chứ không gắn mác hay buộc dây gì có in địa chỉ Vân Nội. Còn túi, bao in mác rau an toàn họ thích thì in đầy rồi gắn vào hàng sau khi lấy từ chợ này hoặc các xã khác về là được, có khó gì”, một chủ hàng su hào tại chợ rau trên xã Vân Nội bộc bạch.

Dự án rau an toàn tại xã Vân Nội được tiến hành khá lâu, thời gian đầu rất quy củ, được bố trí dành riêng khu bán, phân phối sản phẩm RAT do xã sản xuất, mỗi hộ trồng rau phải đăng kí tên, diện tích trồng với Ủy ban, phải chụp ảnh đóng dấu làm thẻ đeo khi mang hàng bán tại điểm tập kết.

Chị Lê Thị T (Vân Trì – Vân Nội) có mặt tại chợ rau bày tỏ: Khi mới thí điểm, chợ rau an toàn cách đây gần 1km họ phân khu rõ ràng cho những sản phẩm RAT của các hộ trong xã ở khu A1 còn các loại rau từ xã khác bị đẩy sâu vào bên trong hoặc sang khu đối diện.

“Để bán rau mỗi hộ trồng rau phải đăng kí tên, diện tích trồng rõ ràng, chụp ảnh làm thẻ và đeo trong khi mang rau đi bán nhưng giờ thẻ bó xó, RAT hay không an toàn bán lộn xộn, tất cả cùng tập chung nguồn hàng tại chợ rồi chủ buôn tìm đến lấy”, chị T than thở.

“May mắn” mới mua được rau an toàn


Chợ rau họp trên địa bàn xã Vân Nội bắt đầu khoảng 13h hàng ngày với đầy đủ các loại từ rau ăn lá như rau muống, rau ngót, rau cải đến các loại củ quả như cà rốt, củ cải, ngô, khoai, bí xanh, bí ngô, bắp cải. PV hỏi mua rau an toàn nhận được lời bộc bạch của chủ hàng tên Hạnh, “Rau của người ở đây mang ra nhưng cũng không an toàn hẳn đâu, may thì mua trúng được không thì vẫn lấy phải hàng như bình thường. Giá không cao, công chăm sóc đầu tư lớn nên người trồng chán rồi”.

“Tìm mua được rau an toàn ở đây bây giờ cũng không dễ vì dù tôi làm rau an toàn mang ra chợ phân phối, người nơi khác làm rau không an toàn cũng mang ra chợ mà giá còn thấp hơn, mã hàng đẹp hơn, khách phần lớn lại thích loại đó”, chị Hạnh cho biết thêm.

Nguy cơ xóa sổ vùng rau an toàn của HN - 2
Chợ rau họp trên địa bàn xã Vân Nội bây giờ là sự tập hợp rau của rất nhiều xã quanh vùng mang đến phân phối, để mua được RAT tại chợ còn phụ thuộc vào may mắn. 

Không chỉ tại Vân Nội, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức – Gia Lâm – HN cho biết: Trong xã Văn Đức vẫn còn những gia đình chưa tham gia vào chương trình trồng rau an toàn của Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội, vì vậy họ sẽ không gắn mác rau an toàn, nhưng khi mang ra chợ bán họ vẫn nói rau sản xuất tại Văn Đức thì người tiêu dùng khó phân biệt.

“Sở dĩ có sự khó khăn khi người tiêu dùng tiếp cận RAT vì dù được tiến hành gắn mác trước khi tiêu thụ nhưng hiện nay cả xã Văn Đức mới chỉ làm được trên 70% số còn lại vẫn lưu thông trên thị trường chưa gắn mác, như vậy tình trạng trộn giữa RAT và không an toàn rất có thể vẫn xảy ra”, ông Minh chia sẻ thêm.

Rau không an toàn và RAT hiện nay có phương pháp trồng tương đối giống nhau, chị Nguyễn Thị Lê cho hay: RAT và không an toàn công làm đất, gieo hạt, bón phân và phun thuốc đều giống nhau, chỉ có khác ở thời gian cách ly sau khi bơm thuốc đến lúc mang bán. Bình thường trồng rau an toàn nếu bơm thuốc thảo mộc, ít nhất phải sau 7 ngày mới được nhổ bán, với thuốc nặng hơn bắt buộc phải nửa tháng trở lên.

“Không có thuốc kích thích nào khiến cây tăng trưởng bất thường, người trồng thu hoạch nhanh, nếu phun nhiều thuốc kích thích sẽ tác động cho rễ phát triển nhanh hơn. Bình thường su hào sau 45 ngày được thu hoạch nhưng nếu dùng nhiều thuốc kích thích thì sẽ thu hoạch sớm hơn khoảng 5 – 7 ngày là cùng”, chị Lê cho biết thêm.

Rau an toàn sẽ chỉ còn là cái vỏ


Trồng RAT đòi hỏi kĩ thuật, công chăm sóc, đầu tư nhiều, tuy nhiên giá bán hiện nay không cao hơn so với các vùng rau khác. Đầu ra cho RAT người trồng tự tìm, cũng không còn sự kiểm định nên nông dân ngày càng buông lỏng kĩ thuật, RAT Vân Nội về cơ bản chỉ còn là thương hiệu.

Khi được hỏi về việc duy trì thương hiệu và phương thức trồng RAT anh K, người trồng rau trên cánh đồng Vân Nội chia sẻ khẳng khái: Làm RAT nhiều khi cũng bất trắc, tuân thủ kĩ thuật, quy trình cách thuốc không cẩn thận rau bị sâu, xấu thì chỉ có bỏ đi chứ bán ai mua, hiện trồng an toàn chỉ những hộ gia đình có nguồn nhập vững chắc, yêu cầu khắt khe về kiểm định ở nơi thu mua thì duy trì. Thương hiệu RAT bây giờ nói không ngoa chỉ vải thưa che mắt thánh.

"Giờ rau an toàn hay không chỉ phụ thuộc vào lương tâm người trồng, chứ thương hiệu rau an toàn đã được khẳng định rồi. Công chăm sóc mất nhiều thời gian, tiền đầu tư nhà kính tốn kém mà giá thành rau chỉ bằng rau không an toàn nên làm sao có thể khuyến khích người nông dân giữ phương pháp đó được".

“Lúc mới thí điểm cũng có hỗ trợ nhà kính nhưng số lượng không nhiều, cả trăm nhà đăng kí trồng an toàn thì khoảng chục nhà được làm nhà kính, đầu ra do chúng tôi tự tìm, tự sản xuất tự tiêu thụ, nguồn nhập không lớn nên duy trì cũng khó khăn”, chị T bày tỏ.

Nguy cơ xóa sổ vùng rau an toàn của HN - 3
Thu hoạch su hào từ ruộng lên sau đó vận chuyển về chợ. Rau an toàn hay không phụ thuộc hoàn toàn ơ người trồng rau. 


Một nông dân cho biết “Trên đồng vẫn còn những ruộng có khung vòm che bằng nilong là do chúng tôi tự bỏ tiền túi đầu tư, không có hỗ trợ gì hết. Mục đích chỉ để tránh bọ nhảy hại cây trồng và những lúc mưa nắng thất thường. Nếu mưa mình che vào sẽ không lo bị mất trắng vụ, tránh sâu bọ cũng đỡ phải phun thuốc hơn còn những nhà trồng ngoài trời, mưa hay sương muối ảnh hưởng đến năng suất”.

Nói về khâu kiểm định chất lượng RAT trước khi lưu thông trên thị trường, trong siêu thị, các cửa hàng RAT, anh K chia sẻ: “Lúc đầu thì người của Chi cục xuống kiểm định rồi mới cho rau lưu thông nhưng bây giờ ai đứng lên làm việc này, máy móc không có, thời gian kiểm định hết được số rau của các hộ đâu phải ít. Có kiểm định gì đi nữa chỉ khi xảy ra ngộ độc hoặc vấn đề gì thì cơ sở nhập họ tiến hành còn không thì thôi. Cứ rau từ ruộng mang ra chợ mà bán”.

“Nhiều nơi nhập họ khắt khe yêu cầu phải bảo đảm chất lượng như các trường học thì rau đó sẽ phải làm đúng kĩ thuật để giữ khách”, anh K nói.

Để RAT có cơ hội vươn xa đến với người tiêu dùng và đứng vững trên thị trường, theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức – Gia Lâm - HN bày tỏ: Hi vọng trong tương lai không xa sẽ có một khu chợ dành riêng cho người trồng RAT Văn Đức mang sản phẩm ra tập kết, phân phối. Chủ buôn sẽ đến tận nơi lấy hàng chứ người trồng không phải mang đi phân phối ở các chợ như hiện nay.

“Muốn duy trì được RAT Vân Nội thì chúng tôi nghĩ xã nên đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm cho các hộ trồng rau sau đó tìm đầu ra phân phối ổn định. Giá chỉ cần cao hơn so với rau bình thường một chút thôi sẽ là động lực để chúng tôi bám phương pháp trồng RAT”, một chủ trồng rau tại Vân Nội đề xuất. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thơm (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN