Nguy cơ thiếu điện triền miên do…thiếu than

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2020 cần tới 60 triệu tấn, năm 2025 là 86 triệu tấn than. Tuy nhiên, việc khai thác than hiện chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng nếu không giải quyết được tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu điện triền miên.

Nhu cầu cao, nguồn cung thấp

Tại Hội thảo "Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam", ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán kéo dài, các nhà máy điện, nhiệt điện phải chạy hết công suất, do đó đã đốt hết nguồn than.

Năm 2018, ngành than chỉ có khoảng 40 triệu tấn, trong đó cung cấp cho ngành điện tối đa là 30 triệu tấn. Trong khi nhập khẩu than thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do không có quy hoạch, không có lộ trình nhập và không tính toán đến dự phòng. Vì vậy, khi bất ngờ thiếu than đã dẫn tới thiếu điện. 

“Nếu để tình trạng này kéo dài, không những trong năm nay mà đến năm 2019, năm 2020  và các năm sau nữa, tình trạng thiếu than, thiếu điện sẽ diễn ra triền miên dẫn tới không an toàn về an ninh năng lượng”, ông Ngãi cho hay. 

Nguy cơ thiếu điện triền miên do…thiếu than - 1

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, an ninh năng lượng của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 điện cần sản xuất 265-278 tỉ kWh và khoảng 571.700 tỉ kWh vào năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu, cả nước cần tới 60.000 MW, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW. Tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành tư nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW.

Năm 2018, với tổng công suất nguồn điện cả nước mới đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỉ kWh. Trong khi đó, hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh vẫn đang chậm tiến độ.

Đại diện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết theo tính toán, nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2020 cần tới 60 triệu tấn và 2025 là 86 triệu tấn. Tuy nhiên, việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Dẫn chứng là trong năm 2016-2017,  mức sản lượng đề ra là 41-44 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn.

Than vẫn là là xương sống cốt lõi

Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)  cho biết, nhu cầu đất nước sau năm 2020 sẽ thiếu khoảng 10 triệu tấn LNG hóa lỏng. Hiện nay, việc khai thác trữ lượng mỏ bổ sung với 25 triệu tấn vẫn "chưa có câu trả lời" nên việc bù trừ sản lượng khai thác hàng năm càng hạn hẹp.

Đại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nguồn năng lượng sơ cấp trong nước cạn kiệt không đảm bảo sản xuất điện, nguồn than và khí tới đây cũng phải nhập khẩu, trong khi vốn đầu tư mỗi năm cần 6 tỉ USD nhưng việc thu xếp khó khăn.

Các nguồn điện được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với quy hoạch. Cụ thể, tổng công suất các nguồn dự kiến đưa vào là 34.864 MW, nhiệt điện là 26.000 MW, nhưng thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với 7.860 MW được khởi công và xây dựng.

Từ những ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhận định, than vẫn là là xương sống cốt lõi cho ngành năng lượng Việt Nam. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, ông Ngãi khuyến nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án điện, khí, than…để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Chính phủ  cần giao trách nhiệm, đầu mối nhập khẩu than và cho bảo lãnh vốn vay cho các đơn vị này để có nguồn tiền đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN