Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tôm
Việc thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng do thương lái Trung Quốc sang tranh mua đã đặt hàng loạt doanh nghiệp trong nước vào tình thế vô cùng khó khăn.
Hiện nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL chỉ hoạt động 50%-60% công suất do thiếu nguyên liệu. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm lo lắng nếu tình trạng này kéo dài sẽ không thể đáp ứng các hợp đồng đã ký với đối tác dẫn đến bị phạt.
Người nuôi lao đao, doanh nghiệp bất an
Dù giá đang tăng rất cao, tôm thẻ 100.000 đồng/kg (loại 100 con), 120.000 đồng/kg (loại 70 con); tôm sú vượt ngưỡng 300.000 đồng/kg (loại 30 con) nhưng các nhà máy chế biến vẫn khó mua bởi tôm nuôi chết tràn lan, nhiều người không dám nuôi tiếp. Trong khi đó, DN trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc trong thu mua nguyên liệu.
Lực lượng chức năng kiểm tra tôm bị bơm tạp chất
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi cũng như xuất khẩu tôm lớn nhất nước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, tổng sản lượng tôm nuôi 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 134.000 tấn (bằng 40% kế hoạch).
Thấy tôm có giá, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tiếc nuối: “Nắng hạn kéo dài làm độ mặn trong nước tăng cao, tôm chết khắp nơi. Mất trắng sau vụ tôm rồi, tôi cải tạo lại ao đầm nuôi tiếp với mong muốn vớt vát phần nào. Lại gặp mưa nắng thất thường những ngày qua làm cho ao tôm gần 2 tháng tuổi của tôi chết hết. Thấy giá tôm lên vùn vụt mà xót cả ruột”.
Nuôi trồng gặp khó, hoạt động xuất khẩu cũng chẳng mấy sáng sủa. Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), cho biết: “Nơi cung cấp nguyên liệu chính cho Trung Quốc là Ecuador. Tuy nhiên, nước này vừa bị động đất dẫn đến nguồn cung ứng tôm cho Trung Quốc thiếu hụt. Do đó, thương lái Trung Quốc quay sang Việt Nam gom hàng khiến tình trạng thiếu nguyên liệu thêm trầm trọng”.
Sức cạnh tranh yếu
Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: “Vài năm qua, ngành tôm bất ổn do giá cao, sức cạnh tranh yếu nên gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ, EU”.
Một trong những nguyên nhân khiến ngành tôm tổn thất uy tín nặng nề trên thị trường thế giới là nạn bơm tạp chất vào nguyên liệu diễn ra hàng chục năm qua nhưng không được xử lý triệt để. Nạn bơm tạp chất thường nở rộ lên vào thời điểm thiếu hụt nguyên liệu như hiện nay.
Ông Lê Văn Quang cho biết: “Tôi vừa sang Nhật, nhiều khách hàng nói không muốn mua tôm Việt Nam nữa vì lẫn tạp chất, tăm tre. Họ định chuyển sang mua tôm của Indonesia, Philippines dù giá cao hơn Việt Nam khoảng 2,5-3 USD/kg”.
Do lẫn tạp chất, Nhật yêu cầu kiểm tra 100% lô tôm khiến giá xuất khẩu đội lên, tôm Việt Nam cạnh tranh kém hơn so với các đối thủ.
Ngoài Nhật, EU vừa đưa ra những cảnh báo với thủy sản Việt Nam. Tháng 5-2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phản ánh việc kiểm soát chất kháng sinh đối với thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục hiệu quả, nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu còn phổ biến.
Do vậy, các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép nhập khẩu vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định của họ.