Nguy cơ hàng giả “đội lốt” sản phẩm khuyến mãi trong dịp Tết Nguyên đán
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, phụ kiện thời trang...
Thị trường diễn biến phức tạp
Thống kê sơ bộ năm 2018 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TPHCM, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 24.589 vụ vi phạm; trong đó 2.346 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 21.373 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 870 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, xử lý hình sự 66 vụ/65 đối tượng; thu ngân sách Nhà nước trên 4.785 tỷ đồng.
Theo đơn vị này, dự báo trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, phụ kiện thời trang...
Khảo sát thực tế trên thị trường TPHCM, hàng hóa tiêu dùng được khuyến mãi, giảm giá trong các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị. Tại nhiều cửa hàng, mạng lưới chợ truyền thống, hàng hóa "sale off", "khuyến mãi khủng", "giảm giá sốc"... tràn ra lề đường với nhiều mức giá khác nhau. Đặc biệt, vào khung giờ từ 18h - 23h hàng ngày, các điểm bán buôn tự phát "mọc như nấm" tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Quang Trung...
Đại diện chủ cửa hàng kinh doanh thời trang may mặc trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cho biết, dịp Lễ, Tết là thời gian các đơn vị bán buôn thực hiện chính sách ưu đãi cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện các hoạt động giảm giá, khuyến mãi bị lạm dụng và một số đơn vị bán buôn bất chính sử dụng như một chiêu thức lừa đảo khách hàng. Người tiêu dùng cần chú ý trong mua sắm và lựa chọn sản phẩm có chất lượng phù hợp với giá cả.
Chị Minh Thu, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng đồng hồ, mắt kính thời trang, trên đường Đồng Khởi, quận 1 cho hay, mặt hàng này đơn vị kinh doanh ít thực hiện chương trình khuyến mãi, nếu có chỉ từ 5 - 20%. Trường hợp có chương trình giảm giá sâu đến 30% thường vào dịp mỗi thương hiệu kỷ niệm thành lập, ra mắt sản phẩm mới hoặc thanh lý hàng tồn còn ít mẫu...Vì vậy, người dân nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng đối với mặt hàng thời trang có thương hiệu giảm giá sốc và nhiều ưu đãi bất ngờ như "mua 2 tặng 1".
Luật sư Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam của Quỹ Chống hàng giả cho rằng, sản xuất hàng nhái, hàng giả siêu lợi nhuận nên các đối tượng bất chấp thủ đoạn. Tâm lý người tiêu dùng thích hàng thương hiệu nhưng muốn giá rẻ và hạn chế về sự hiểu biết. Trong khi đó, chế tài về pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, hình phạt nhẹ. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ dẫn đến không quyết liệt trong xử lý. Việc truyền thông chưa đủ để nâng nhận thức của người dân về hàng nhái, hàng giả và gian lận thương mại.
Cơ quan chức năng thu giữ 3.300 cây thuốc lá nhập lậu trên địa bàn TPHCM. Ảnh: TTX
Phối hợp kiểm tra
Nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định giá cả trước, trong và sau Tết đối với các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TPHCM, Sở Công thương thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển; tập trung cung cấp hàng hóa với giá tốt nhất cho người nghèo, người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết; cung cấp hàng sạch, hàng có xuất xứ nguồn gốc.
Riêng đối với lĩnh vực quản lý thị trường, lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM sẽ phối hợp với UBND 24 quận - huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm hàng lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. UBND TPHCM ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, chú ý biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại các nút giao thông quan trọng, địa điểm bán buôn và những khu vực nổi cộm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả...Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán như hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, đồ chơi; sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống... cần được kiểm soát chặt.
Ông Nguyễn Văn Bách, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đơn vị đã chuẩn bị và thực hiện sớm phân bổ lực lượng đặc biệt tại địa bàn "nóng" để kịp thời phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật. Trong đó, thống kê danh sách có sàng lọc đối tượng sản xuất kinh doanh, vận chuyển phân phối, chứa trữ hàng hóa. Các địa bàn trọng điểm giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh, thành lân cận được chú trọng. Riêng với khu vực trung tâm thành phố, sẽ đẩy mạnh kiểm soát các điểm bán buôn, kinh doanh thương mại điện tử; kiểm soát tình trạng găm, giữ hàng làm giá mặt hàng thiết yếu…
Theo ông Phạm Thành Kiên, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 TPHCM, cơ quan chức năng thành phố cần quản lý hoạt động thương mại, giao dịch mua bán, nhất là kênh kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển. Các cơ quan chức năng tập trung quản lý, kiểm soát sử dụng chữ ký số; kiểm tra gian hàng giả tại các khu vực trọng điểm như trung tâm thương mại, chợ đầu mối, địa điểm vận chuyển phân phối hàng hóa truyền thống tại các địa bàn trọng điểm như quận 1, 3, 5, 6, 10, Tân Bình...
Các cơ quan chức năng liên ngành chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, bất chấp an toàn giao thông trên các tuyến trọng điểm về đường thủy và đường bộ từ Tây Ninh - Long An đưa vào TPHCM.