Nguồn cung thịt lợn giảm mạnh trong những tháng cuối năm

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi lan rộng đã tác động mạnh tới ngành chăn nuôi, giá thịt lợn sau một thời gian dài giảm sâu nay đã bắt đầu tăng trở lại do nguồn cung thiếu hụt, dự báo những tháng cuối năm nguồn cung thịt lợn sẽ giảm mạnh và nhu cầu tăng sẽ khiến giá thịt lợn tiếp tục tăng.

Theo Bộ Công Thương, giá thịt lợn đã tăng liên tiếp từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 và ổn định cho đến nay. Hiện, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đang cao hơn so với miền Trung và miền Nam.

Theo đó, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đã tăng mạnh vào những ngày đầu tháng 6-2019 do nguồn cung thiếu hụt, tuy nhiên, gần cuối tháng đà tăng đã giảm. Trung bình, giá lợn hơi đạt khoảng 37.000 - 41.000 đồng/kg, có thời điểm lên 42.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 7.000 đồng/kg so với giá trung bình của tháng 5-2019. 

Tại khu vực miền Trung giá lợn trong tháng 6-2019 đã tăng so với tháng trước và đang có giá tương đối tốt, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế giá lợn hơi dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/kg.

Tại Khánh Hòa, Ninh Thuận giá lợn đạt trên 40.000 đồng/kg. Tại miền Nam, so với cuối tháng 5-2019, giá lợn hơi tại Cần Thơ tăng 3.000 đồng/kg, lên 38.000 đồng/kg; An Giang, Đồng Tháp tăng 2.000 đồng/kg, lên 37.000 - 38.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, giá lợn dao động ở mức 36.000 - 38.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân giá lợn hơi tăng chủ yếu do nguồn cung có xu hướng giảm, nhất là nguồn cung từ các hộ chăn nuôi, trong khi nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân tăng trở lại.

Nguồn cung thịt lợn giảm mạnh trong những tháng cuối năm - 1

Khuyến khích doanh nghiệp cấp đông thịt lợn để đảm bảo nguồn cung. (Ảnh minh hoạ Internet)

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 25-6-2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.389 xã, 458 huyện của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đàn lợn của cả nước tháng 6-2019 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái (quý II đạt 796,8 nghìn tấn, giảm 12,4%). 

Do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng đầu năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng rõ rệt đến ngành chăn nuôi. Cơ quan thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT khuyến nghị các giải pháp bù đắp thiệt hại, bù đắp bằng cách tăng sản lượng khác như gia cầm, trứng, lúa, rau củ quả; kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm ổn định sản xuất, tập trung lực lượng ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, với tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi như vậy thì sản lượng thịt lợn trong quý III và quý IV sẽ giảm nhanh. 

Theo ông Hiếu, Chính phủ đã xây dựng kịch bản để bù đắp cho thiệt hại của ngành chăn nuôi lợn. Cụ thể trong thời gian tới, bà con chăn nuôi cần tăng cường chăn nuôi gia cầm để lấy thịt, trứng nhằm có nguồn cung thay thế trong sản phẩm thịt lợn; tăng cường sản xuất rau, hoa quả phục vụ nhu cầu xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng…

Trong 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương dự báo, nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tiêu dùng trong nước ổn định. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, giá có thể biến động do nguồn cung giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lan rộng và sẽ còn diễn biến phức tạp; có thể xuất hiện trở lại hoạt động xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc qua các tỉnh phía Bắc nếu như giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng mạnh. 

Nhiều cảnh báo cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt tương đối nghiêm trọng mặt hàng thịt lợn trong những tháng cuối năm nay và giá mặt hàng này tại Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Hiện giá lợn hơi tại Trung Quốc dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg (tùy từng địa phương). Tuy nhiên, mức biến động của giá thịt lợn trong nước sẽ hạn chế nhờ sản lượng gia cầm, nhất là thịt gà ở trong nước vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá cao. 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đa số các trại nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn chuyển sang chăn nuôi gia cầm, trong đó, chủ yếu chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghiệp do nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tốt nên giá ổn định ở mức khá cao.

Trước diễn biến phức tạp và khó kiểm soát của dịch tả lợn châu Phi, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư chăn nuôi vào nhóm gia cầm như: gà, vịt, trứng bởi đây là loài Việt Nam có thế mạnh, có thể tăng sản lượng nhanh trong thời gian ngắn. 

Tổng cục Thống kê cũng khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tới tăng trưởng của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2019, ngành nông nghiệp nên tăng cường chăn nuôi gia cầm, gieo trồng rau củ quả ngắn ngày, nuôi trồng thủy hải sản. Ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái để tái đàn sau dịch bệnh, không tái đàn đối với các cơ sở bị dịch bệnh trước đó.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện trữ đông thịt lợn, theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh đủ điều kiện cấp đông. 

Tuy nhiên, có 5/14 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lợn sữa chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng cộng kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn. Như vậy, kho lạnh chỉ còn trống đủ chứa 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay cần cấp đông.

Dịch tả heo lan rộng, VN chi gần 24 triệu USD nhập thịt heo

Tính đến 6-2019, tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn, thiệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Đức ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN