Người Việt muốn kinh tế thị trường, nhưng vẫn thích Nhà nước “ôm ấp”

Gần 90% người dân tham gia cuộc khảo sát của VCCI mới đây cho rằng, kinh tế thị trường là ưu việt nhưng có tới 75% người ủng hộ bình ổn giá cả trên cơ sở có sự can thiệp của Nhà nước.

Vì sao người dân muốn có kinh tế thị trường, nhưng cũng muốn có sự “ôm ấp”, bao bọc của Nhà nước? Câu hỏi này được đặt ra cho các chuyên gia kinh tế tại hội thảo Việt Nam chuyển đổi – thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 23/7.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu CAMS 2014, kết quả khảo sát 1.600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng, trong đó có cơ quan Nhà nước, cơ quan Quốc hội, doanh nghiệp, người dân… cho thấy, về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% ý kiến đánh giá tốc độ này là chậm.

“Rõ ràng quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường vẫn tiếp tục, song tốc độ thực tế còn chậm so với kỳ vọng” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Đáng chú ý, đa số những người ủng hộ nền kinh tế thị trường vẫn muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu.

Người Việt muốn kinh tế thị trường, nhưng vẫn thích Nhà nước “ôm ấp” - 1

Dù muốn Nhà nước can thiệp bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, song chỉ một nửa người dân tin vào hiệu quả của những biện pháp can thiệp này... 

Ông Đoàn Hồng Quang – chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng là thành viên nhóm nghiên cứu CAMS 2014 đưa ra con số, có tới 75% người được hỏi muốn Nhà nước can thiệp vào bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Tỷ lệ này tăng 7% so với năm 2011.

“Gần 90% người dân cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt, nhưng có tới 75% người ủng hộ giá cả hàng hóa nên có sự can thiệp, bình ổn của Nhà nước”- ông Quang dẫn kết quả khảo sát của CAMS 2014.

Lý giải cho mâu thuẫn này, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, cốt yếu nằm chính ở niềm tin của người dân. “Việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giám sát, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ…. Vì thế kiến người dân có tâm lý mong chờ sự “ôm ấp” của bàn tay Nhà nước”- ông Quang đánh giá.

Tuy vẫn muốn có sự “bao bọc” của Nhà nước, nhưng chỉ 1/2 trong số người được hỏi đánh giá cao hiệu quả của các chương trình bình ổn giá mà Nhà nước đang thực hiện.

Tỏ ra cảm thông trước tâm lý muốn “ôm ấp, bảo vệ” của người dân, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tâm lý này là… bình thường.

Ông Thiên nhấn mạnh, sở dĩ tâm lý thích được “ôm ấp” ngày càng tăng là do nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, chứ chưa thực sự là kinh tế thị trường. Xã hội vẫn còn nặng “bệnh” bao cấp, Nhà nước lo toan đủ thứ cho xã hội…

“Rõ ràng, xét về tâm lý xã hội thì chưa ổn, chưa yên tâm, chưa có niềm tin. Cộng với đó, rủi ro thị trường luôn rình rập khiến người dân cảm thấy bất an, nên muốn được bao bọc là dễ hiểu. Song tiếc là ở bộ phận khác như chính quyền, Đại biểu Quốc hội, Chính phủ… lại hưởng ứng, tỏ ra hài lòng” – ông Thiên nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói thêm, từ khi Việt Nam gia nhập WTO cách ứng xử không hoàn toàn theo cam kết WTO. Hệ quả là lực lượng doanh nghiệp suy yếu, môi trường kinh doanh khó khăn hơn.

Tỏ ra không ngạc nhiên về kết quả khảo sát của CAMS 2014, thậm chí TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) còn cho rằng kết quả này đã phản ánh đúng thực trạng kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam “dùng dằng bước tiến, bước lùi, không thực sự dứt khoát”.

Ông Cung nêu quan điểm, bàn tay của Nhà nước can thiệp vào giá cả một số mặt hàng, dịch vụ là phản thị trường, không thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường. “Chục người bán mà chỉ có một người mua thì làm sao gọi là thể chế thị trường được? Nếu chủ sở hữu, rồi giám sát, hoạch định chính sách… tất tần tật nằm trong tay một ông thì chính trong bản thân người nắm giữ này chứa đựng xung đột lợi ích trong vận hành. Vì thế không thể tạo ra cơ chế kinh tế thị trường như  mong muốn”- Viện trưởng CIEM thẳng thắn.

Trong bối cảnh này, TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, Nhà nước phải tỏ thái độ nghiêm túc, chứ không nên tạo ra thêm tình huống buộc người dân phải phụ thuộc vào mình. “Chúng ta đã có những bước tiến về cả nhận thức, thực tiễn chuyển đổi lên kinh tế thị trường, nhưng quá chậm so với yêu cầu hội nhập đặt ra. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ nhiều hơn là lạc quan” – ông Thiên quả quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN