Người Việt mua ô tô tăng cao"chóng mặt"
Đây lần đầu tiên trong lịch sử doanh số toàn thị trường cán mốc 200.000 xe/năm, chắc chắn kết thúc năm 2015, tổng số toàn thị trường sẽ đạt hoặc vượt mức kỷ lục 220.000 xe bán ra, trở thành dấu mốc quan trọng cho thị trường ô tô Việt Nam.
Ngày 9-12, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết trong tháng 11-2015, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.706 xe, tăng 33% so với tháng 10-2015 và tăng 86% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, bao gồm 18.611 xe du lịch, 9.723 xe thương mại và 1.372 xe chuyên dụng.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường 11 tháng đầu năm 2015 đạt 215.517 xe, tăng 57% so với cùng kì năm ngoái. Xe ô tô du lịch tăng 45%; xe thương mại tăng 73% và xe chuyên dụng tăng 109% so với cùng kì năm ngoái. Đây lần đầu tiên trong lịch sử doanh số toàn thị trường cán mốc 200.000 xe/năm, chắc chắn kết thúc năm 2015, tổng số toàn thị trường sẽ đạt hoặc vượt mức kỷ lục 220.000 xe bán ra, trở thành dấu mốc quan trọng cho thị trường ô tô Việt Nam.
Thu nhập tăng, ổn định, ngày cành nhiều người Việt có nhu cầu mua ô tô.
Tính đến hết tháng 11-2015, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 154.257 tăng 50%; trong khi xe nhập khẩu 61.260 xe tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thaco Trường Hải tiếp tục là hãng xe dẫn đầu thị trường trong giữ vị trí số 1 về doanh số bán hàng. Bám sát vị trí thứ 2 là Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức lãi suất cho vay mua xe của các ngân hàng năm nay thông thoáng, dễ chịu hơn, đồng thời các mẫu xe tập trung vào phân khúc dễ mua hơn cho các khách hàng mua xe lần đầu. Và cũng nhìn rộng ra là nền kinh tế nước ta đã ổn định, thu nhập tăng đã kích nhu cầu mua ô tô của người tiêu dùng.
Tốc độ mua xe trong nước tăng nhanh hơn so với xe nhập khẩu. Xe nhập khẩu vẫn bán chạy nhưng cơ cấu so sánh tương đối đã bắt đầu chậm hơn xe trong nước. Đây là kết quả của việc các hãng tập trung lắp ráp nhiều xe hơn, và người tiêu dùng bấp bênh trước những thông tin về thuế phí áp dụng cho xe nhập khẩu tới năm 2018.