Người Việt "mạnh tay" mua trái cây ngoại

Sự kiện: Kinh Doanh

Không chỉ nhập những loại quả ôn đới làm phong phú thị trường, nhiều loại trong nước trồng được vẫn nhập tràn lan.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu rau quả ước đạt 655 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng quả chiếm 507 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016, rau ước đạt 118 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2016.

Chất lượng vượt trội

5 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả từ các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (tăng hơn 2 lần), tiếp đến là Ấn Độ (tăng khoảng 2 lần) và Hàn Quốc (tăng khoảng 85,3%).

Người Việt "mạnh tay" mua trái cây ngoại - 1

Trái cây nhập khẩu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước Ảnh: TẤN THẠNH

Nguồn cung rau quả lớn nhất cho Việt Nam là Thái Lan, chiếm đến 57,5% thị phần, xếp thứ hai nhưng Trung Quốc chỉ 15,9%. Đáng chú ý là nước này phần lớn xuất khẩu sang Việt Nam những loại trái cây mà trong nước trồng được như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, me, xoài...

Một thương nhân kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) cho biết hàng Thái Lan nhập khẩu Việt Nam đều là quả có vị ngọt, hợp với thị hiếu người Việt. "Trái cây Thái Lan khi xuất sang Việt Nam được đóng thùng, trọng lượng từ 10-15 kg và phân loại kích cỡ, tương ứng với nhiều giá bán khác nhau. Hàng của họ không xài thuốc (chất bảo quản - PV) nên được khách hàng tin tưởng. Sau vài ngày, trái cây Thái xuống màu, hư từ ngoài vào trong chứ không như hàng xài thuốc, bên ngoài tươi, bên trong hỏng. Điều đặc biệt là nếu mua sầu riêng, măng cụt Thái Lan thì yên tâm do tất cả quả đều ăn được nên người bán lẻ không lo bị khách hàng phản ứng" - thương nhân này nhìn nhận.

Về giá, theo khảo sát, trái cây Thái cũng theo mùa vụ, có lúc bằng giá hàng Việt nhưng cũng có khi cao hơn. Do giống trái cây của Thái đã được trồng khá nhiều tại Việt Nam nên không dễ phân biệt giữa hàng Thái và hàng trong nước. Thông thường, tiểu thương chợ lẻ bán trái cây ít khi giới thiệu xuất xứ mà bán theo chất lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ), đánh giá: "Việc hàng Thái áp đảo cũng dễ hiểu do người tiêu dùng Việt mất niềm tin vào hàng nội. Như măng cụt, dân trong nghề hay gọi là hàng vô giá, tức giá nào cũng có, còn chất lượng thì hên xui. Người mua măng cụt thường 10 quả hư đến 9, nếu hư vài ba quả được xem là may mắn nên khách hàng mất niềm tin. Măng cụt mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ nên người trồng có xu hướng bón phân và xịt thuốc nhiều để tăng năng suất, trong khi đây là loại cây rất nhạy cảm với hóa chất, dùng quá liều, trái có hiện tượng xì mủ, sượng. Sầu riêng cũng vậy, người mua khó chọn được quả ngon. Người Thái trồng cây ăn trái cũng dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng liều lượng vừa phải. Hơn nữa, họ cũng có trách nhiệm với người tiêu dùng, khi trái gần chín mới hái, không như Việt Nam, hễ thương lái đến mua là thu hoạch một lần, non già hái sạch" - ông Cung phân tích.

Trái cây nội yếu thế do chất lượng giảm

Theo ông Cung, nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên trái cây Việt có vị ngon hơn hẳn hàng cùng loại của các nước nhưng do canh tác và thu hoạch không hợp lý làm giảm chất lượng. Hiện một số công ty như Đại Thuận Thiên đang chọn con đường canh tác theo hướng hữu cơ, thu hoạch khi trái ngon nhất. Tuy nhiên, người tiêu dùng hay so sánh giá với hàng chợ nên hàng hữu cơ khó mở rộng thị trường. Khi muốn mua trái cây ngon, người tiêu dùng thường nghĩ đến hàng ngoại. Do đó, nếu người trồng trái cây trong nước không ý thức bảo vệ thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm sẽ rất khó lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Những loại trái cây ôn đới như táo, lê, kiwi, cherry, việt quất, dâu tây... từ Mỹ, Úc, Newzealand, Hàn Quốc... ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Nhóm hàng cao cấp này không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng, siêu thị mà còn được tiểu thương bày bán ngoài chợ. Ông Võ Huy Hoàng - Giám đốc DNTN Rau quả Bình Thuận, chuyên xuất nhập khẩu trái cây - cho rằng một trong những lý do trái cây ngoại nhập về nhiều là do người tiêu dùng ưa chuộng, giá ngày càng hợp lý.

TS Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng cần xem xét tổng thể xuất nhập khẩu rau quả để đưa ra bình luận chứ không bàn riêng chiều nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, rau quả Việt xuất khẩu gần 1,7 tỉ USD (tăng 44,6% so với cùng kỳ 2016 - PV). Như vậy, mặt hàng này xuất siêu trên 1,1 tỉ USD, con số khá ấn tượng. Tỉ lệ tăng trưởng nhập khẩu cao là do giá trị lúc đầu nhỏ, còn xuất khẩu tăng trưởng thấp hơn nhưng giá trị tuyệt đối lại lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 6 năm 2017 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,7 tỉ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Măng cụt trong nước rớt giá

Mặc dù giá đầu vụ tăng gấp đôi, gấp ba năm trước với mức mua tại vườn phổ biến khoảng 100.000 đồng/kg nhưng bước vào chính vụ, giá măng cụt lại giảm mạnh.

Cụ thể, những ngày đầu tháng 7-2017, khi bước vào đợt thu hoạch rộ, giá măng cụt bán sỉ tại vườn ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, bán lẻ 60.000-65.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, giá măng cụt sỉ tại vườn chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg, bán tại chợ 30.000-35.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mùa trước.

Anh Nguyễn Thanh Hậu - người trồng măng cụt tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - cho biết măng cụt năm nay thu hoạch trễ hơn 2 tháng so với mọi năm, trùng với vụ măng cụt của Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) nên dội chợ. Hiện giá măng cụt Lái Thiêu tại vườn cũng khoảng 18.000-20.000 đồng/kg. Ngoài ra, măng cụt Thái ồ ạt nhập về làm tăng nguồn cung.

Theo Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả nhập khẩu tăng mạnh là do các loại trái cây trong nước đang mất mùa bởi ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, việc giảm mạnh thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, cũng như đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu; trong đó có trái cây, làm tăng đầu mối nhập khẩu rau quả, giảm giá trái cây nhập khẩu. Chẳng hạn, thuế xuất nhập khẩu trái cây theo cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… đều còn 0%. Một số doanh nghiệp trong nước gần đây cũng tăng nhập khẩu trái cây từ Thái Lan như sầu riêng, nhãn để chế biến, tái xuất. 

D.Cầm - T.Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN