Người trồng mía “khóc ròng”

Tại huyện Thới Bình (Cà Mau) đang vào vụ mùa thu hoạch mía, nhưng người trồng mía “khóc ròng” vì giá mía xuống thấp.

Tiền bán mía chỉ đủ trả mua phân, thuốc

Ngày 1/12, chúng tôi có cuộc khảo sát dọc con đường dẫn vào xã Trí Lực (huyện Thới Bình), nơi có diện tích trồng mía lớn nhất huyện. Đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp nỗi buồn, lo lắng trên khuôn mặt những nông dân trên những cánh đồng mía bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Nông dân buồn vì giá mía rớt thê thảm, họ ăn ngủ không yên...

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, nông dân Nguyễn Văn Trung (ấp 9, xã Trí Lực) rầu rĩ nói: “Giá mía năm nay xuống thấp quá, chỉ có 670-720 đồng/kg. Nhà tui trồng gần 7ha, mỗi vụ mía gần 9 tháng tốn gần 20 triệu tiền phân, rồi còn tiền thuê nhân công đánh lá, vô chân... nhưng đến khi đốn mía bán thì giá hạ thấp quá trời. Giá mía kiểu này, nông dân làm lụng cực khổ suốt mấy tháng trời cũng chỉ đủ tiền trả phân, thuốc…”. Ông Trung tính toán: Với mức đầu tư như hiện nay, thì giá mía thấp nhất cũng phải được 900 đồng/kg thì nông dân mới có lãi…

Người trồng mía “khóc ròng” - 1

Dù biết bị ép giá nhưng các hộ vẫn phải bán mía cho thương lái

Ông Trần Minh Hoàng (ấp 8, xã Trí Lực) cũng ngao ngán: “2 năm nay giá mía xuống thấp, tiền nhân công, tiền phân thì càng ngày càng tăng. Mỗi nhân công đốn 1 tấn là 160.000-170.000 đồng, đó là còn chưa kể tiền công chăm sóc, tiền thuê ghe chở khi thu hoạch, mỗi chiếc chở khoảng 1 tấn có giá 120.000 đồng/ngày. Tình hình giá mía xuống thấp thế này chắc nhà tui nghỉ trồng luôn. Thiệt cực nhọc quanh năm rồi tới ngày thu hoạch chỉ đủ trả tiền phân, thuốc cho đại lý thì sao mà sống nổi…”.

Ông Lê Văn Phước (xã Trí Lực) gắn bó với cây mía hơn 10 năm nay chia sẻ: “Trước nhà tui trồng gần 20 công mía, nhưng mấy năm nay giá mía xuống thấp nên chỉ chừa lại vài công để trồng. Đất ở đây sau 4-5 năm là phải sên lên để cải tạo lại đất trồng vụ mới vì đất cũ thì năng suất thấp, chi phí mỗi lần cải tạo cũng tốn vài chục triệu khiến nhiều gia đình phân vân…”.

Bỏ mía, nuôi tôm

Có nhiều nông dân lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, có nhiều người muốn cải tạo lại đất nuôi tôm nhưng lại không có tiền. Còn nếu trồng mía vụ mới thì cuộc sống tiếp tục lao đao...

Theo khảo sát của chúng tôi, mía ở vùng này gần đây có một số nơi cho chữ đường thấp, chỉ có khoảng 6-8 chữ đường nên thương lái vin vào đó mà hè nhau ép nông dân. Theo phản ánh của bà con, việc mua bán mía lâu nay diễn ra giữa bà con trồng mía và thương lái chỉ bằng miệng, thuận mua vừa bán chứ Nhà máy Đường Thới Bình ở gần đó không ký hợp đồng thu mua với người dân.

Người dân ở vùng này lâu nay chủ yếu sống nhờ trồng mía, giờ giá mía bấp bênh khiến nhiều người hoang mang và đã có người chuyển sang nuôi tôm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó phòng Nông nghiệp huyện Thới Bình cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.800ha?trồng mía, năng suất chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha, thêm vào đó là chữ đường lại thấp chỉ đạt khoảng 6-8 nên giá mía rất thấp. Trước tình hình giá mía xuống thấp như hiện nay, phòng nông nghiệp huyện cũng cố gắng vận động bà con nên giữ diện tích mía bằng cách kết hợp xen canh nuôi cá dưới mương, tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất. Khuyến cáo xây dựng phương án tạo giống mới có năng suất cao hơn, nâng chữ đường để giá mía không xuống thấp nữa…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chúc Ly (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN