Người TQ nuôi cá trái phép ở Vũng Rô

Sau Cam Ranh, vùng cảng cửa khẩu tại vịnh Vũng Rô (Phú Yên) - nằm giáp ranh với tỉnh Khánh Hoà - cũng có nhiều người Trung Quốc núp bóng dưới danh nghĩa “chuyên gia kỹ thuật” để đầu tư nuôi cá mú, cá bốp trái phép với quy mô lớn từ năm 2005 đến nay.

Họ không cần đóng tiền thuê mặt nước, không đóng thuế, không lo phí môi trường và vô tư nhập giống, thức ăn, xuất bán cá... Trong khi chính quyền địa phương hầu như làm ngơ, không quản lý, xử lý vi phạm.

Các cơ sở nuôi cá mú, cá bốp tại Vũng Rô đều do doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng tên kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng thực tế là có nhiều người Trung Quốc (TQ) cùng đầu tư, trực tiếp quản lý các hoạt động nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.

Người Trung Quốc làm chủ

Phải mất 2 giờ đồng hồ, chiếc thuyền mới len lỏi qua khỏi các vùng nuôi thủy sản bãi Hương, bãi Chùa, bãi Lau (nằm giáp mũi La)... ở vịnh biển Vũng Rô. Trước mặt, trong số hàng trăm lồng bè nuôi tôm hùm nằm ken dày trong vịnh, nổi lên những bè nuôi cá mú, cá bốp với quy mô lớn và hiện đại. Anh Lê Ngọc Tùng - người quanh năm lái đò ở Vũng Rô - khẳng định: “Đó là bè cá của DN Việt Nam đứng tên, nhưng người TQ đầu tư”. Ở bãi Lau, chúng tôi lên chiếc bè của Cty TNHH Thuận Hoàng và bắt gặp công nhân đang vớt những con cá mú chết trong lồng. Bà Bùi Thị Bích Ly - chủ DN này - cho hay: “Bè này thả nuôi từ 40.000-50.000 con cá. Năm trước, có người em rể quốc tịch TQ đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hiện nay chỉ còn 8 công nhân VN”. Song qua tìm hiểu, DN Thuận Hoàng được người TQ đầu tư vốn nuôi và xuất khẩu cá với sản lượng lớn. Từ năm 2010, UBND tỉnh đã cấp phép cho 3 người TQ là Chen Po-Jui, Sun Kun Tien và Luu Cheng-Han làm việc tại Cty này với công việc “hướng dẫn kỹ thuật ươm cá”!

Ở Vũng Rô có đến 5 bè nuôi cá, nhưng bè cá lớn nhất, hiện đại nhất là của DNTN Vĩnh Tín, với gần 10 nhà nổi và khoảng 300 lồng nuôi, chiếm diện tích cả ngàn mét vuông mặt nước và nằm chỉ cách Khu di tích lịch sử tàu Không số Vũng Rô chừng 200m. Khi chúng tôi đến, có một người TQ ngồi theo dõi khoảng 30 công nhân (chủ yếu là người ở miền Tây - PV) đang hì hục vệ sinh lồng bè, chế biến thức ăn, cho cá ăn... Ông ta không tiếp nhà báo và vội vã bỏ đi nhanh về phòng, đóng kín cửa. Anh Lê Đức Toàn - một công nhân làm việc ở đây - cho biết: “Người TQ này (hay gọi tên Lão Bành) là “ông chủ” quản lý các hoạt động và trực tiếp trả lương cho công nhân lao động”. Cty này do bà Lâm Mỹ Khanh (gốc Hoa) đứng tên giám đốc, nhưng thực tế người TQ đầu tư. Và trong số 3 người TQ được UBND tỉnh cấp phép làm việc tại DNTN Vĩnh Tín, hiện chỉ có ông Cheng Tsao Chiang là còn thời hạn “hướng dẫn kỹ thuật” đến cuối tháng 6.2012.

Người TQ nuôi cá trái phép ở Vũng Rô - 1

Bể nước rửa cá đỏ lòm đổ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường

Vô tư nhập giống, xuất cá và xả thải

Trong suốt thời gian dài, tất thảy các bè nuôi cá như Trường Mai, Mỹ Ngọc, Thuận Hoà... đều nhập giống, xuất cá và xả thải ra môi trường một cách vô tư mà không hề gặp sự kiểm soát, ngăn cản nào từ phía chính quyền địa phương. Quan sát hệ thống lồng bè của DNNT Vĩnh Tín, chúng tôi chứng kiến hàng chục tấn thức ăn bằng cá tươi được rửa nước đỏ lòm rồi đổ ra vịnh biển. Mùa này, tôm hùm nuôi ở gần lồng bè cá bị chết hàng loạt, với tỉ lệ hao hụt 30-50%. “Bà con ở đây cho rằng, thủ phạm gây tôm chết là do các bè cá dùng hóa chất và xả thải gây ô nhiễm môi trường!” - anh Lê Ngọc Huy ở bãi Lau nói.

Theo ông Đào Thái Cường - trưởng thôn Vũng Rô - những người TQ đầu tư nuôi cá trái phép ở Vũng Rô theo quy trình khép kín. Quanh năm họ dùng tàu thuyền chở cá giống đến thả nuôi, sau đó chở cá thương phẩm đi xuất khẩu. “Hàng triệu con cá mú, bốp nuôi ở các lồng đều không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, kiểm dịch chất lượng. Còn chính quyền thôn không quản lý, cũng không có chức năng xử lý, nên đành chịu” - ông Cường cho hay.

Chiều 3.6, trao đổi với PV, ông Đỗ Kim Đồng - Phó phòng NNPTNT huyện Đông Hoà - thừa nhận: “Tình hình DN có người nước ngoài nuôi cá trái phép ở Vũng Rô đang có nhiều diễn biến phức tạp. Họ hoàn toàn không có dự án nuôi trồng, không hề khai báo số lượng giống, quy mô đầu tư... Lâu nay, ngành chức năng huyện cũng thiếu kiểm tra, bởi trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm trong việc du nhập nguồn giống hoặc xuất bán hải sản thuộc ngành chức năng của tỉnh”.

Vịnh Vũng Rô được quy hoạch cho dự án lọc dầu và phát triển cảng cửa khẩu, chứ hoàn toàn không cho phép nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên lại cấp giấy phép cho 10 người TQ cư trú và ươm cá giống, nuôi cá mú tại Vũng Rô!

Khánh Hoà: Có đến 18 người TQ nuôi trồng và thu mua thủy sản. Ngày 3.6, đại tá Hồ Thanh Tùng - Trưởng phòng trinh sát (BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà) - cho biết: Toàn tỉnh Khánh Hoà đang có 18 người TQ nuôi trồng thủy sản và mua hải sản, tập trung nhiều nhất tại vịnh Cam Ranh. Họ nuôi cá mú, tôm thẻ chân trắng… tại các doanh nghiệp và hộ cá thể nhưng đều do người Việt đứng tên. Trong số này có 2 đối tượng không có giấy phép lao động, các đối tượng còn lại có giấy phép lao động và nhập cảnh dạng thị thực thương mại. Năm 2009, tại vùng “nhạy cảm” vịnh Cam Ranh có 3 lồng bè của người TQ của các doanh nghiệp Song Phong, Khải Hoành và lồng bè của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Thúy Hằng (quận 3, TPHCM) nuôi bào ngư. BCH Bộ đội Biên phòng đã có văn bản kiến nghị chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính quyền địa phương cấp thành phố, cấp phường lại tỏ ra lúng túng, không chịu thực hiện.

L.P

Bài cuối: Có dấu hiệu "bảo kê"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Phong (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN