Người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại xăng E5
Theo ghi nhận của PV Báo CAND tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM, để được đổ xăng A95, nhiều người điều khiển phương tiện chấp nhận chờ đợi và các nhân viên tại cây xăng làm việc không ngơi nghỉ; trong khi trụ xăng E5 thì… lâu lâu mới có một người ghé qua.
Trò chuyện với PV Báo CAND, anh Trần Đại Vương (quê Bến Tre) cho biết là một người làm nghề chạy xe ôm Grab được khoảng 2 năm rồi nhưng chưa bao giờ anh đổ xăng sinh học E5. “Trước đây chiếc xe Wave đời cũ nên tôi cứ hay đổ xăng A92 cho đỡ chi phí. Khoảng 5 tháng trở lại đây, nhờ tích cóp mà tôi mua được xe Honda Air Blade, và quyết định chuyển qua dùng xăng A95 để chạy êm hơn”.
Được hỏi sao không dùng E5, anh Vương nói “chưa dám dùng thử vì nghe một số người bạn cho biết thì xăng E5 chạy máy không được êm” (?).
Còn anh Nguyễn Hữu Văn, chủ một nhà hàng chia sẻ, anh cũng đã dùng thử xăng E5 một vài lần rồi nhưng sau đó quay lại xăng A95 do sợ E5 ảnh hưởng xe ôtô mình.
Có thể nói, thời gian qua, nỗi nghi ngại về chất lượng xăng sinh học chính là rào cản lớn khiến nhiều người vẫn chưa mặn mà với mặt hàng này. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, đi xe đổ xăng A95 thấy máy chạy êm và đằm hơn là đổ xăng E5.
Để làm rõ băn khoăn này, chúng tôi đã trao đổi với PGS. TS Phạm Hữu Tuyến - Viện Cơ khí động lực Đại học Bách Khoa và được ông khẳng định: Nhiều người dân đang để cho tâm lý ảnh hưởng nặng đến việc dùng xăng loại nào vì không có cơ sở để chứng minh việc dùng xăng E5 gây nguy hại cho động cơ của các loại xe.
Theo đánh giá trên các thiết bị chuyên dụng, có đo đạc số lượng cho thấy kết quả dùng hai xăng A95 và E5 tương đương, thậm chí dùng xăng E5 tốt hơn, công suất tăng 3-5%, tiêu hao nhiên liệu cải thiện 2-3%.
Xăng E5 vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi.
Trong khi đó cồn ethanol 100% có nhiệt trị thấp hơn khoảng 33-34%, nhưng ở đây chỉ có 5% cồn pha vào nên nhiệt trị chỉ thấp hơn cỡ 1-1,5%.
Với giá trị này, chưa kể các yếu tố khác mà xăng E5 lợi hơn, người tiêu dùng khó có thể nhận biết máy móc bốc hơn, tiêu hao nhiên liệu hơn vì điều này còn phụ thuộc vào cách thức vận hành, cách thức lái xe có nhịp nhàng hay không vì điều kiện đường tốt, vận hành nhịp nhàng cũng tiết kiệm xăng hơn.
Trước đó, Bộ Công thương đã đưa phương án triển khai thí điểm thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 1-7-2017 trước khi mở rộng ra cả nước, thay thế hoàn toàn xăng A92 vào đầu năm 2018.
Theo Bộ Công thương, giá xăng E5 hiện ở mức thấp hơn xăng A92, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 cũng thấp hơn so với xăng A92. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét xây dựng thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý cho mặt hàng xăng E5 và tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng A92.
Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 33 DN đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng dầu, trong đó 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng sinh học E5 là PVOil, Công ty TNHH MTV dầu khí TP Hồ Chí Minh và Công ty Xăng dầu Khu vực II với tổng sản lượng có thể cấp ra lên tới gần 170.000 m³/tháng, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân ước đạt 130.100m³/tháng.
Hiện tại thành phố có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỷ lệ 45%), với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053m³/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn.
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có kiến nghị gửi Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay DN phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5)... để giảm giá bán xăng E5 xuống thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít; hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các DN.
Cùng với đó, cần khuyến khích, vận động các DN đầu mối, tổng đại lý có chính sách hỗ trợ các đại lý, cửa hàng đăng ký phân phối xăng E5, tăng tỷ lệ chiết khấu hoa hồng từ 1.500 - 2.000 đồng/lít.