Người tiêu dùng... kiệt sức

Người tiêu dùng chỉ rộng tay mua sắm khi thu nhập dư dả trong khi hiện tại, lương tăng một thì giá tăng hai nên họ ngày càng hụt hơi, chỉ chi cho những khoản thật sự cần thiết.

Rời quê xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, chị Nguyễn Thị Nga lên Hà Nội mưu sinh. Nhiều năm làm công nhân ở Công ty Canon - KCN Bắc Thăng Long, cuộc sống gia đình chị Nga vẫn rất nhọc nhằn. Hiện chị cùng chồng và 2 con nhỏ ở trong một phòng trọ ẩm thấp rộng khoảng 8 m2 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Chật vật

Gặp chúng tôi sau giờ tan ca chiều và đang tất tả lo bữa tối cho gia đình, chị Nga tâm sự: Vợ chồng lấy nhau hơn 7 năm, có 2 cháu trai, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo. Thu nhập của vợ chồng mỗi tháng chỉ hơn 6 triệu đồng trong khi các khoản “cứng” phải chi nhiều vô kể: tiền học của 2 cháu mỗi tháng 1,2 triệu đồng; tiền nhà trọ, điện, nước 1 triệu đồng; tiền ăn cho 4 người khoảng 3 triệu đồng. “Thú thật, đến những loại sữa bột rẻ tiền cũng chẳng mua được cho các cháu uống. Hằng ngày, tiêu chuẩn mỗi người chỉ 20.000 đồng tiền ăn; quần áo thì lâu lắm rồi em chưa mua được cho các cháu. Mình lớn thì sao cũng được nhưng nghĩ đến con lại thấy xót lòng” - chị Nga bùi ngùi.

Người tiêu dùng... kiệt sức - 1

Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút khiến người dân phải tằn tiện từng đồng trong chi tiêu Ảnh: Hồng Thúy

Còn cô công nhân trẻ Nguyễn Thị Hương (24 tuổi, quê ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) do nhà nghèo, phải xuống Hà Nội làm công nhân cho Công ty NISSEI ở KCN Bắc Thăng Long với tiền lương 3 triệu đồng/tháng. Ngoài trang trải cho mình, Hương còn phải nuôi cô em gái đang học đại học tại Hà Nội nên việc đến siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm là thứ gì đó rất xa xỉ. “Tiền nhà trọ mỗi tháng hết 750.000 đồng; tiền ăn tằn tiện lắm cũng phải 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi khi em gái đóng học phí thì phải đi vay mượn của bạn bè rồi trả dần” - Hương nói.

Ép mình tiết kiệm

Mặc cho những báo cáo của các bộ, ngành về triển vọng hồi phục nền kinh tế, đời sống một bộ phận người dân vẫn đang ngày càng khó khăn. Giảm thu nhập, thất nghiệp, chưa có nhiều niềm tin vào khả năng phục hồi kinh tế đã triệt tiêu động lực tiêu dùng.

Chị Huỳnh Kim Vân, công nhân một công ty chế biến thủy hải sản ở KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết cả tháng nay cuối tuần nào chị cũng tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng từ Hưng Yên vào TP HCM làm thuê, chồng chị trước đây phụ hồ cho các công trình xây dựng, mỗi ngày kiếm được 160.000 đồng. Nửa năm nay không tìm được việc làm nên anh phải ở nhà trông con. Mỗi ngày, chị làm quần quật từ 7 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút, kể cả chủ nhật, để kiếm được khoảng 5,7 - 5,8 triệu đồng/ tháng. “Chừng ấy tiền chi tiêu cho sinh hoạt của cả gia đình nên rất chật vật. Gần năm nay, tôi chưa hề biết đến siêu thị hoặc đi mua sắm ở chợ” - chị Vân kể.

Vợ chồng chị Trần Thị Mai (ngụ quận 2, TP HCM) mỗi tháng lãnh lương phải lập tức “cắt” ngay 1/4 bỏ vào khoản tiết kiệm để phòng hờ cho cặp song sinh gần 2 tuổi. Chị Mai nói: “Thu nhập của cả gia đình chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng tiền sữa, tiền trường, tiền ăn, tiền xăng... đã ngốn hết sạch nên nửa năm nay, tôi không mua quần áo ở tiệm mà mua vải về nhà nhờ chị ruột may cho đỡ tốn; bỏ luôn thói quen sử dụng mỹ phẩm. Chồng thì tự nguyện không sắm quần áo mới. Tháng nào xài nhiều thì phải xoay tạm, tháng sau bù lại chứ không dám đụng đến khoản tiết kiệm cố định và không dám lên kế hoạch sắm sửa lớn”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nền kinh tế hiện nay đang rất khó khăn. Sau những cú sốc về kinh tế như lạm phát, thắt chặt tín dụng, điều chỉnh tỉ giá… đã làm khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng. Hiện ai cũng phải thắt lưng buộc bụng, siết mọi khoản chi tiêu. Khi cơ hội kiếm tiền ít đi thì người ta phải dè sẻn trong chi tiêu khiến hàng hóa tiêu thụ chậm lại, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế.

Xót phận bà bầu

Ở một xóm trọ của những lao động nghèo tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi gặp 2 phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8 ở cùng nhau và đang lúi húi nấu cơm chiều. Đó là chị Nguyễn Thị Toán (quê Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thị Phương (quê tỉnh Phú Thọ).

Chị Toán làm công nhân cho Công ty DenSo được hơn 2 năm, lương thực nhận khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chồng thì ở quê làm ruộng. Lương thấp nên dù mang thai, chị Toán chẳng dám tẩm bổ gì. “Đến hộp sữa nội thi thoảng em mới dám mua uống vì phải dành tiền lo cho con sắp chào đời. Mỗi ngày, em chỉ chi 30.000 đồng tiền ăn. Nhiều lúc thèm ăn vặt nhưng đành thôi” - chị Toán nói.

Để có thêm chút đường, sữa tẩm bổ cho đứa con trong bụng sắp chào đời, ngoài giờ làm việc ở công ty, chị Toán còn nhận thêu tranh thuê. Mỗi ngày chịu khó làm vài giờ buổi tối, chị Toán kiếm được thêm 10.000-15.000 đồng.

                                                                 V.Duẩn - P.Nhung

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm Phóng viên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN