Người phụ nữ thu lãi 300 triệu đồng/năm nhờ trồng sầu riêng theo cách mới
Dù mới học hết lớp 8 nhưng hiện người phụ nữ này vừa làm giàu cho chính mình vừa giúp nhiều gia đình khác khá giả như mình.
Đặt chân đến xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, không ai là không biết đến bà Thinh, người phụ nữ từ một nông dân có cuộc sống bấp bênh đã vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhiều người khác cùng thành công.
Trước đây, bà Thinh trồng sầu riêng theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. “Năm nào trời cho thì trúng mùa, còn không thì thất thu. Khi được mùa thì bị thương lái ép giá, còn mất mùa thì chẳng bán được bao nhiêu. Có năm thương lái đến chỉ lựa trái lớn, mua với giá chỉ từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống không ổn định,” bà Thinh chia sẻ.
Năm 2016, khi hạn mặn lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn sầu riêng trong vùng, bà Thinh quyết tâm học hỏi kỹ thuật trồng trọt để giữ vườn. Bà cùng chị em trong ấp thành lập nhóm, sau đó là tổ hợp tác trồng sầu riêng.
Bà Thinh quyết tâm học hành để trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thông qua sự hỗ trợ của chính quyền xã, tổ hợp tác đã mời được kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. “Bao nhiêu năm tôi không đụng tới sách vở, chỉ học đến lớp 8, giờ cũng lớn tuổi nên việc học kỹ thuật trồng sầu riêng khá khó khăn,” bà Thinh bộc bạch.
Nhờ sự nỗ lực, bà đã nắm vững cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật xử lý cây ra hoa, đậu trái, và cách chăm sóc để thu được những trái sầu riêng to, đẹp. Vườn sầu riêng của bà ngày càng phát triển xanh mướt, những trái sầu riêng to đẹp được phân bố đều trên các cành cây.
Năm 2018, bà Thinh mạnh dạn đăng ký thương hiệu riêng cho trái sầu riêng của mình. "Chất lượng sầu riêng của tôi được đánh giá cao hơn hẳn, nhờ vậy giá bán luôn cao hơn thị trường khoảng 20%. Nhiều nhà vườn đã tìm đến nhờ tôi chia sẻ kinh nghiệm," bà Thinh cho biết.
Hiện, bà đã có thương hiệu sầu riêng của mình và giá bán luôn cao hơn thị trường.
Từ 11 thành viên ban đầu, tổ hợp tác đã phát triển lên hơn 50 thành viên, bao gồm cả nam lẫn nữ. Tổ còn mở dịch vụ tư vấn chăm sóc sầu riêng cho các nhà vườn trong vùng, đảm bảo có khách hàng quanh năm.
Tự tin với chất lượng sản phẩm, bà Thinh chủ động mang sầu riêng đi chào hàng ở nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và các nơi khác. Nhờ vậy, sản phẩm của bà luôn bán được với giá tốt, không bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Bà còn giúp kết nối các nhà vườn trong vùng với các đối tác để tiêu thụ hàng trăm tấn trái cây khác nhau.
Hiện, tổ hợp tác của bà Thinh đang quản lý hơn 40ha sầu riêng, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.200 tấn trái. Nhờ áp dụng phương pháp trồng khoa học và đảm bảo đầu ra ổn định, các thành viên trong tổ đều có thu nhập khá. Riêng bà Thinh, với diện tích vườn sầu riêng rộng 3.200m2, mỗi năm bà thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Khu vườn sầu riêng của bà mỗi năm cho thu lợi nhuận đến 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bà Thinh còn mở dịch vụ du lịch để khách hàng đến trải nghiệm hái sầu riêng tại vườn. Nhiều khách sau khi thưởng thức sầu riêng vườn nhà bà đã trở thành khách hàng thân thiết. Bà Thinh cho biết, trung bình cứ 10 khách đến vườn tham quan thì hơn một nửa sẽ trở thành khách hàng thường xuyên.
Hiện nay, vườn sầu riêng của tổ hợp tác đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho bà Thinh và các thành viên trong tổ.
Những chiếc lá được nam sinh viên này khéo léo khắc họa thành những bức tranh chân dung sống động. Đam mê nghệ thuật của anh không chỉ giúp anh thể hiện tài năng mà còn mang lại thu nhập đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]