Người phụ nữ ở miền Tây bỏ phố về quê trồng cau, thu hàng trăm triệu/năm
Đến nay, chị An đang sở hữu vườn cau rộng hơn 7.000m2, tao ra nguồn thu ổn định đến 200 triệu đồng/năm.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở TP.HCM, chị Trần Thị Ngọc An (30 tuổi, trú tại xã Định Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cũng như bao người trẻ khác, chị lựa chọn ở lại thành phố để làm việc. Nhưng làm một thời gian, dù có mức thu nhập cao, chị vẫn cảm thấy bản thân không thể thích nghi được với sự ngột ngạt của phố phường.
“Đến năm 2018, tôi đã quyết định bỏ phố để về quê mình sinh sống, làm việc. Trước khi về, tôi cũng tìm hiểu và quyết định sẽ khởi nghiệp với nông nghiệp. Tôi lựa chọn cây cao để làm kinh tế”, chị chia sẻ.
Sau nhiều năm tích cóp, chị có một số vốn nhất định. Chị quyết định mua hơn 7.000m2 đất. Chị làm một ngôi nhà vườn, diện tích đất còn lại chị đã mua hơn 10.000 cây cau giống về trồng.
Vườn cau nhà chị An có khoảng 10.000 cây.
"Vườn cau gần như chỉ mất công chăm bón lúc cây còn nhỏ. Sau khi cây sống tốt, chỉ cần tưới đủ nước và dọn sạch cỏ, cây sẽ sinh trưởng và phát triển bình thường, không hao hụt cây nào", chị An cho biết.
Sau 4 năm, vườn cau của chị đã cao khoảng 5m, cây nào cây nấy đều cho ra quả quanh năm. Chị vừa bán quả vừa ươm hạt cau bán giống nên mức thu nhập cũng ổn định qua các năm. Tính trung bình, chị thu về khoảng 200 triệu đồng/năm nhờ bán quả và bán giống cây.
Những cây cau giống được chị ươm từ hạt để bán cho khách.
Theo chị, cây cau làm kinh tế rất hiệu quả vì đây là loại cây không cần chăm sóc nhiều. Bên cạnh đó, một cây cau có tuổi thọ trung bình khoảng 40 năm mà chi phí trồng, chăm sóc khá thấp. Vì vậy, người trồng cau được hưởng lợi lâu dài và có thu nhập ổn định qua các năm. Chị cho rằng đây là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ngoài bán giống và quả cau, chị còn sử dụng những chiếc mo cau làm nhiều vật dụng khác nhau. Nhìn thấy những mo cau rơi rụng nhiều trong vườn nhà, đem bỏ thấy tiếc, chị sử dụng những chiếc mo cau làm quạt, chén, đĩa để trong nhà sử dụng.
Dần dần, chị thấy các sản phẩm làm từ mo cau rất bền bỉ, lại thân thiện với môi trường. Chị đã đầu tư máy móc, chế biến mo cau thành hơn 10 loại sản phẩm như bát đĩa, khay đựng thức ăn, thìa muỗng…
Chị đi thu gom những chiếc mo cau rụng ở vườn về để làm sản phẩm chén, đĩa...
“Mo cau có lớp màng chống nước tự nhiên, không bị thấm nên chén, đĩa có thể đựng nhiều loại thức ăn. Bát đĩa từ mo cau có mùi thơm đặc trưng, tăng hương vị cho món ăn.
Do đây là sản phẩm tự nhiên, không có chất bảo quản nên cũng được nhiều người tin dùng. Hiện, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ, tôi đang tìm thêm nguồn nguyên liệu để tăng sản lượng, tối ưu việc vận hành của máy móc”, chị cho hay.
Hiện, chị vẫn tìm thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm từ mo cau cung ứng ra thị trường.
Chia sẻ thêm về quy trình sản xuất sản phẩm từ mo cau, chị nói mo cau được gom trong vườn rồi đem rửa sạch, phơi khô để bảo quản được lâu. Sau đó đem vào máy ép nhiệt ép tạo nên hình dạng sản phẩm cố định. Sau khi mo ra được hình sản phẩm theo khuôn, đem chọn lọc lại, loại bỏ những sản phẩm có khuyết điểm, đem vệ sinh sạch sẽ và đóng gói, mang đi tiêu thụ.
Mới đây, mô hình trồng cau bán trái, bán cau giống, đồng thời bán sản phẩm từ mo cau của chị đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến thăm và đánh giá cao. Cũng có người đến tận vườn nhà chị để tìm hiểu, học hỏi mô hình làm kinh tế này.
Khu vườn này được nhiều người xem trầm trồ thán phục vì cây nào cũng có quả, màu sắc rất bắt mắt.
Nguồn: [Link nguồn]