Người nuôi bò sữa TP HCM cũng gặp khó

Cùng với nhiều địa phương khác, các hộ nuôi bò sữa mới tại TP HCM cũng đang đứng ngồi không yên khi chưa ký được hợp đồng thu mua sữa

Chiều 19-1, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật năm 2014 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nơi có đàn bò sữa nhiều nhất TP - kiến nghị UBND TP HCM cần can thiệp mạnh với các công ty sữa để hỗ trợ thu mua cho bà con trong thời gian tới.

Giảm mua vì... hết chỗ chứa

Ông Lê Văn Phê - nông dân nuôi bò sữa với quy mô 75 con tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi - cho biết tới ngày 19-1, công ty vẫn thu mua hết sản lượng sữa của đàn bò nhà ông với giá 13.000 đồng/kg, đúng hợp đồng đã ký. “Tuy nhiên, một số hộ nuôi mới hoặc tăng đàn mà không khai báo thì phải chấp nhận bán với giá chỉ 8.000-9.000 đồng/kg do dư sản lượng” - ông Phê nói.

Người nuôi bò sữa TP HCM cũng gặp khó - 1

Nuôi bò sữa nông hộ tại huyện Củ Chi, TP HCM

Một số nông dân có hợp đồng bán sữa với các công ty cũng phản ánh về việc bị hạ giá thu mua vài trăm đồng/ký với lý do chất lượng sữa rớt từ loại 1 xuống loại 2 nhưng người nuôi không biết đường nào mà cãi. “Trước đây, nguồn sữa còn thiếu, nông dân cứ việc mua bò về nuôi, khi có sữa mới liên hệ nhà máy để bán nhưng nay, các công ty không chấp nhận những trường hợp này khiến bà con không biết bán đi đâu” - nhiều nông dân bức xúc.

Chủ một trạm thu mua sữa ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi cho biết sản lượng sữa thu mua tại trạm đã tăng từ 6 tấn lên 8 tấn trong năm qua và nếu tăng tiếp thì sẽ không đủ chỗ chứa. Trước tình hình đó, mới đây, Hội Nông dân xã Phú Hòa Đông đã rà soát và lập danh sách các hộ nuôi mới (mỗi hộ 2-3 con) sắp có bò đẻ tại địa phương gửi Hội Nông dân TP HCM nhờ can thiệp để được các công ty ký hợp đồng thu mua.

Không thể ép doanh nghiệp

Theo UBND huyện Củ Chi, vừa qua, một số hộ nuôi bò sữa đã bị các công ty thu mua cắt hợp đồng do trước đây bán sữa chung một mã số hợp đồng hoặc chưa có hợp đồng vì bán sữa thông qua các đối tượng vắt thuê. Các công ty sữa cũng đã rà soát, cắt hợp đồng với các đối tượng vắt sữa thuê hoặc thu gom sữa từ các hộ chăn nuôi để tiến hành ký hợp đồng trực tiếp nhưng tiến độ rất chậm. Vì thế, các hộ chăn nuôi rất khó khăn trong khâu tiêu thụ sữa.

Lý giải về điều này, đại diện công ty thu mua sữa cho biết việc rà soát là để kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời khẳng định việc thu mua sữa cho các hộ nuôi vẫn diễn ra bình thường.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú thừa nhận về lâu dài, không thể ép các công ty thu mua, bao tiêu sữa cho nông dân với giá cao như hiện nay. Mức giá 13.000-14.000 đồng/kg sữa tươi nguyên liệu được cho là cao nhất Đông Nam Á.

Ông Phú cho rằng hiện nhiều trang trại sữa quy mô lớn được đưa vào khai thác có giá thành rẻ hơn bò nuôi ở nông hộ. Vì thế, cần có giải pháp hỗ trợ nông dân cải tạo đàn bò, từ giống đến thức ăn, để hạ giá thành mới cạnh tranh được.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết sẽ xác minh lại vấn đề tiêu thụ sữa của các hộ chăn nuôi để có cách giải quyết trong thời gian tới.

Thiếu lợi thế

Theo thống kê, tổng đàn bò sữa của TP HCM đạt 112.632 con, trong đó có 96.916 con bò cái, tăng khoảng 1,6% so với năm ngoái. TP HCM là địa phương có đàn bò sữa đông nhất cả nước (chiếm gần 50% về tổng đàn và hơn 50% về tổng sản lượng).

Chủ một trang trại nuôi bò sữa công nghiệp nay đã chuyển ngành cho biết thực tế nuôi bò sữa tại Việt Nam rất khó do điều kiện tự nhiên không ủng hộ nên giá thành cao. “Ngay thời điểm các hộ nông dân cho rằng nuôi bò sữa lãi cao thực ra là vì họ không tính toán hết chi phí vào giá thành, nuôi với tính chất lấy công làm lãi” - vị này nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN