Người mua lan đột biến giờ chỉ muốn "đột tử"
Cơn "sốt" qua đi, những cây lan đột biến tiền tỷ giờ thành "cục nợ" khiến người mua lao đao.
Nếu như cách đây khoảng nửa năm, lan đột biến được nhiều người thổi giá lên đến hàng tỉ đồng thì đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn đang có xu hướng bán tháo, giảm giá lan hơn 90% so với thời kỳ "hoàng kim" nhưng khó mà tìm được khách mua.
Bên cạnh đó, trong các hội nhóm chơi lan, nhiều chủ vườn đã có động thái liên tục livestream để bán tháo các lô hàng trong kho với giá rẻ mạt.
Nhiều nhà vườn đăng tin bán tháo, đại hạ giá các giống lan từng gây sốt. Ảnh: Lao Động
Dạo một vòng quanh những nhóm chơi lan và lan đột biến (lan var) trên mạng xã hội, có thể bắt gặp những bài viết rao bán lan hay những đoạn phát trực tiếp mời tham quan vườn lan và người phát khéo léo mời gọi "giao lưu", "sưu tầm".
Tuy nhiên người bán thì nhiều còn người mua thì hiếm. Ở thời điểm hiện tại, giá lan đang rất thấp. Những cây lan đột biến tiền tỷ thì tuyệt nhiên vắng bóng. Trong khi đó, những cây lan giá "mềm" trăm nghìn thì rất nhiều.
Để mời gọi khách mua, nhiều người rao bán ví von đây là "thời điểm vàng bắt đáy" và là "cơ hội" cho những ai muốn đầu tư vào lan. Tuy dày công "đánh bóng" với những mỹ từ nhưng dường như sức nóng của lan không chống chọi được với đại dịch. Nhiều chủ vườn lan lâm vào cảnh vỡ nợ.
Mới đây, giới chơi lan đột biến ở phía bắc những ngày gần đây xôn xao vụ chủ tài khoản Facebook tên Triệu Phong Lan (Vĩnh Phúc) lên tiếng xác nhận vỡ nợ hơn 10 tỉ đồng, phải đến cơ quan công an trình báo.
Chia sẻ trên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sự - chủ tài khoản Triệu Phong Lan cho biết, trước khi đầu tư vào lan đột biến, ông là thợ điêu khắc mỹ thuật lão luyện, chuyên thi công trang trí nhiều công trình lâu đài, biệt thự hạng sang. Ông Sự chỉ "bập vào" lan đột biến khoảng 2 năm trở lại đây. Vườn lan trên tầng 2 trước là nơi giao dịch của những thương vụ bạc tỉ, nhưng giờ ông phải trả giá đắt cho thú chơi này.
Kie lan đột biến từng được rao với giá 999 triệu đồng trên Facebook.
Cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Sự, N.H.K, chủ vườn lan tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải bán đi 2 mảnh đất và thế chấp thêm ngôi nhà đang ở vay ngân hàng lấy tiền trả nợ.
Về bản chất, việc kinh doanh lan đột biến cũng tương tự như các hành động đầu cơ trên thị trường nhiều rủi ro kiểu bong bóng, được ví von như một trò chơi truyền lửa qua lại giữa các nhà đầu cơ, và người nào nhận lửa cuối cùng sẽ là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Anh K. là công nhân làm việc trong một công ty sản xuất xe máy và có thêm nghề tay trái môi giới bất động sản. Hai mảnh đất vừa bán là số tiền tích cóp của hai vợ chồng sau nhiều năm làm ăn, và toàn bộ số tài sản này đã tan theo những cánh hoa lan đột biến khi số tiền gần 2 tỉ đồng bị lừa đảo giờ vẫn "chưa lấy lại được đồng nào".
Một người chơi lan chuyên nghiệp ở Hà Nội giải thích, lan đột biến hoàn toàn phát xuất từ lan rừng. Thị trường lan lâu nay ổn định, giới chơi lan có quy ước riêng, giá trị của lan thế nào người chơi lan biết rõ. Bất cứ chi lan nào cũng có lan đột biến nhưng phổ biến nhất là dòng lan Phi Điệp do có tỷ lệ đột biến nhiều hơn. Để có 1 mặt hoa đột biến cực kỳ khó, trong 1.000 cá thể họa hoằn mới có 1 - 2 cá thể xuất hiện đột biến. Vì thế, giá trị của lan đột biến vẫn còn là ẩn số, chưa ai có thể thẩm định.
Nhưng không phải hoa đột biến nào cũng đẹp và có giá trị. Chỉ có những mặt hoa có thẩm mỹ cao, độc, lạ, được giới chơi lan thừa nhận mới có giá trị cao. Cụ thể như cây số 1 Việt Nam hiện nay là Phan Trí (lan Kiếm) chiều dài 5cm, giá dao động khoảng 400 triệu đồng; cây Xanh Huế (lan Kiếm) dao động 100 triệu đồng/thân; các cây Vị Hoàng Nam Định (lan Kiếm vàng) hay Vàng Tây Ninh (lan Kiếm vàng) 10 - 15 triệu đồng/cây…
"Các cây lan đột biến giá trị tiền tỷ giới thiệu trên các trang mạng chắc chắn là bất thường, không có cơ sở", anh này nói.
Tạ Thị Suối Vân bị Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) bắt giữ cùng những giò phong lan đột biến giả - Ảnh: TTXVN
Tuy giá lan đột biến rất khó thẩm định đúng - sai nhưng nhiều người do ham lợi nhuận lại vẫn quyết định xuống tiền đầu tư. Điều đáng nói là giao dịch mua bán lan thường là tự phát, tự thỏa thuận giữa hai bên nên người mua phải chấp nhận "ăn trái đắng" nếu mua phải hàng kém chất lượng hoặc thậm chí rơi vào cảnh bị lừa đảo. Bởi những giao dịch này không mang tính pháp lý nên không được pháp luật bảo vệ.
Đại dịch khiến nhiều người thắt chặt chi tiêu, không còn mặn mà với những thú chơi xa xỉ. Chưa kể, sau khi cơn sốt lan đột biến qua đi, nhiều vụ việc lừa đảo bị phanh phui và cơ quan chức năng vào cuộc, cảnh báo thì người mua cũng cảnh giác hơn. Rớt giá thảm cộng với việc không tìm được người mua khiến nhiều chủ vườn lan đột biến chỉ muốn "đột quỵ" trước những khoản nợ chồng chất.
Giữa thời điểm các loại trái cây đều rớt giá thê thảm thì khắp nơi thương lái lại lùng mua cau tươi với giá cao chưa...
Nguồn: [Link nguồn]