Người dân miền Tây xứ Nghệ trúng đậm “lộc rừng” đầu năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018, người dân huyện miền núi Quế Phong, (tỉnh Nghệ An) phấn khởi, vui mừng được mùa măng đắng, đem lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018, bà con dân bản ở huyện miền núi Quế Phong (tỉnh Nghệ An) lại nhộn nhịp hẳn lên, những chuyến xe ngược xuôi chất đầy măng đắng đưa ra bán dọc hai bên đường thị trấn Kim Sơn.

Người dân miền Tây xứ Nghệ trúng đậm “lộc rừng” đầu năm - 1

Măng đắng món đặc sản của núi rừng. Ảnh: Lê Tập

Theo người dân, măng đắng có quanh năm nhưng thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Thời tiết se lạnh của mùa xuân cùng với những đợt mưa xuân là dấu hiệu cho thấy mùa măng đắng bắt đầu. Ở Nghệ An, măng đắng mọc ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở xã Tri Lễ, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Giá măng đắng đầu mùa, mua tận tay bà con dân bản khoảng 10.000 – 15.000 đồng/1kg, mua của các thương lái có giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng/1kg.

Người dân miền Tây xứ Nghệ trúng đậm “lộc rừng” đầu năm - 2

Cũng như nhiều loại thức ăn khác, măng đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau tuỳ khẩu vị của mỗi người. Ảnh: Lê Tập

Chị Vi Thị Hương (xã Tri Lễ) chia sẻ: “Ra Tết, khi những cơn mưa đầu mùa ẩm ướt qua đi cũng là lúc những mầm măng đắng vươn mình nhú lên khỏi mặt đất. Bà con dân bản cơm đùm, cơm nắm rủ nhau vào rừng hái măng đắng. Nhờ “lộc rừng” mà chúng tôi có thêm cái ăn, cái mặc, đời sống bà con dân bản khấm khá hẳn lên. Đi một ngày trời cũng hái được cả tấn măng, đem bán cho thương lái cũng kiếm được tiền triệu”.

Chị Nguyễn Thị Mai (một thương lái dưới xuôi) cho biết: “Bây giờ, măng đắng đã trở thành đặc sản của Quế Phong rồi nên không chỉ có các thương lại đặt mua mà các du khách khi về xuôi cũng đều cố gắng mang theo ít măng để làm quà cho bạn bà, hàng xóm”.

Người dân miền Tây xứ Nghệ trúng đậm “lộc rừng” đầu năm - 3

Măng đắng được bày bán dọc hai bên đường thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Lê Tập

Theo lời kể của những người già làng sống ở vùng đất Quế Phong, măng đắng có từ rất lâu, thời điểm chính xác cũng không nhớ rõ. Khi đó, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả, đói ăn triền miên, măng đắng được xem như là một món ăn cứu đói qua ngày. Dù có vị đắng nhưng măng đắng vẫn được bà con dân tộc thiểu số nơi đây coi là nguồn lương thực chính trong lúc mọi thứ rau trên rừng đều đã được hái hết. Từ đó, người dân ăn quen và măng đắng trở thành món ăn quen thuộc đối với bà con từ lúc nào không hay.

Người dân miền Tây xứ Nghệ trúng đậm “lộc rừng” đầu năm - 4

Để chọn được những búp măng ngon, nên chọn những búp măng có bẹ ngoài còn trắng và to. Không chọn những búp có bẹ màu xanh, mậm nhỏ và cao vì những búp măng này đã mọc nhô cao lên khỏi mặt đất. Ảnh: Lê Tập

Ngày nay, cái tên măng đắng đã trở thành thương hiệu của người dân Quế Phong được nhiều người yêu thích. Như vậy, từ khi còn món ăn no cái bụng và chống đói trước mắt của người dân địa phương, măng đắng đã trở thành đặc sản của núi rừng Nghệ An mà bất kỳ du khách nào có dịp ghé qua đều phải thưởng thức và mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Măng đắng trở thành khoản thu nhập của bà con nơi đây mỗi khi vào mùa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tập (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN