Người dân Hưng Yên "đứng ngồi không yên" vì... nhãn được mùa
Năm nay, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ nhãn đậu quả rất cao lên đến 95%. Tuy nhiên, người dân Hưng Yên lại lo lắng về giá nhãn bị hạ thấp, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, việc tiêu thụ nhãn phụ thuộc nhiều vào các thương lái.
Theo khảo sát của PV, một số loại nhãn sớm tại Hưng Yên đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, giá thành cũng không cao so với những năm về trước. Hiện, có 2 loại nhãn được bán ra thị trường. Nhãn loại 1 có giá dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/1kg, đây là loại nhãn quả to, đều, cùi dày, mã đẹp và chủ yếu dùng làm quà biếu, tặng… Nhãn loại 2 có giá dao động từ 5.000 -7.000 đồng/1kg, loại nhãn này nhỏ, cùi mỏng hơn và thường dùng để làm long nhãn.
Chị Nguyễn Hồng Thắm (Tiên Lữ, Hưng Yên) trồng nhãn 3 năm nay bày tỏ nỗi lo lắng vì giá nhãn thấp: “Hiện, nhà tôi có một số cây nhãn sớm, có thể thu hoạch được. Tôi đã bán được khoảng gần 300 kg nhãn sớm với giá từ 18.000-25.000 đồng/1kg. Mới đầu mùa giá đã thấp hơn so với năm ngoái gần chục nghìn đồng, không biết vào mùa chính giá còn rẻ tới mức nào?”.
Chị Nguyễn Hồng Thắm chia sẻ nỗi lo lắng về nhãn năm nay mất giá.
Theo chị, khoảng nửa tháng nữa, nhãn sẽ chín rộ và giá có khả năng còn bị thương lái ép xuống thấp hơn thời điểm này. Chị cho rằng, các thương lái chỉ mua nhãn đã hái và xếp gọn gàng.
“Tôi bán chủ yếu cho các thương lái mua để mang lên Hà Nội, Hải Phòng. Vì nhãn nhà tôi chín sớm nên dễ bán và nhiều người hỏi mua. Vì nhà nào ở quê tôi cũng trồng nhãn nên số lượng người mua lẻ rất ít”, chị chia sẻ.
Dù giá nhãn thấp, người dân vẫn bán nhằm thu lại được tiền công chăm sóc cây.
Cùng tâm trạng với chị Hồng Thắm, cô Vũ Thu Phương – một người trồng nhãn ở Tiên Lữ (Hưng Yên) cũng bày tỏ sự lo lắng về nhãn mất giá: “Nhãn giá rẻ quá nhưng vẫn phải bán vì không thể để lâu được. Loại quả này chỉ có một khoảng thời gian thu hoạch nhất định là 10 ngày, nếu để lâu quá nhãn sẽ bị đội cùi, nhạt dần và không ai thu mua nữa”.
Cô Thu Phương cho rằng các thương lái nắm được điều này nên cố tình ép giá, người dân để lại cũng không ăn hết nên chấp nhận bán để kiếm chút tiền công chăm sóc.
Vì giá nhãn quá rẻ, nhiều hộ gia đình trồng nhãn không muốn bán giá rẻ nên thu hoạch và đem đi sấy long nhãn. Sau đó, họ bán long nhãn hoặc giữ lại làm quà biếu cho họ hàng, bạn bè nơi xa.
Giá nhãn đã thấp, một số cây nhãn chuẩn bị thu hoạch lại bị ảnh hưởng từ mưa nhiều. Nhiều quả nhãn đã bị nứt, hỏng, một số cây có dấu hiệu chết. Điều này cũng khiến người dân thêm phần lo lắng.
Hiện, Hưng Yên có 4.200 ha nhãn đã cho thu hoạch (trong tổng số 4.340 ha diện tích trồng nhãn), sản lượng ước đạt 42.202 tấn. Trên phạm vi cả nước, 2018 là năm được mùa nhãn, theo đó sản lượng nhãn cả nước ước đạt 550.000 tấn, tăng 11% so với 2017. |
Vườn bưởi được mùa, nông dân lại vất vả lo canh giữ bởi nạn trộm cắp hoành hành.