Ngược xu hướng thế giới, giá cà phê Việt Nam tăng mạnh
Trái ngược với giá thế giới, giá cà phê robusta nội địa cuối tháng 6 tăng mạnh so với cuối tháng 5. Tính trong quý II/2022, giá cà phê trong nước tăng khoảng 8%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục
Ngày 20/7, trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cho biết, ước tính trong tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay (chỉ tính riêng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao.
Tháng 6, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5 và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cà phê nội địa đang có xu hướng tăng.
Xu hướng tăng đã xuất hiện từ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 khi xuất khẩu chủng loại cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê excelsa.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 5 đạt 125,1 nghìn tấn, trị giá 244 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 37% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuât khẩu cà phê robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta sang Nhật Bản, Algeria, Trung Quốc, Malaysia, Pháp giảm.
Thị trường cà phê thế giới giảm
Trong tháng 6/2022, giá cà phê toàn cầu tăng 4,5% so với tháng trước lên mức trung bình 202,5 US cent/pound, cao nhất kể từ tháng 2. Trong tháng, mức giá cao nhất ghi nhận được là 208,7 US cent/pound vào ngày 1/6, nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn 193,3 US cent/pound ngày 28/6.
Cuối tháng 6, giá cà phê thế giới giảm so với cuối tháng 5. Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào khiến giá cà phê tiếp tục giảm.
Tại Brazil, đồng real giảm xuống mức thấp nhất 4,5 tháng so với đồng USD đã khuyến khích người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới. Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê robusta tháng 6 tăng so với tháng trước và tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021. Điều này càng tạo thêm áp lực lên giá cà phê robusta.
Tại Việt Nam, mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/6, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7, tháng 9, giảm lần lượt 2,5%, 2,7% so với ngày 28/5, xuống mức 2.044 USD/tấn, 2.040 USD/tấn. Tính chung trong quý II, giá cà phê robusta giao trong tháng 7 và 9 giảm khoảng 2,4%. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê robusta giảm 6%. Đỉnh điểm hồi đầu tháng 3, giá giảm sâu quanh mốc 2.000 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/6 giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7, tháng 9 giảm lần lượt 1,5%, 3,3% so với ngày 28/5, xuống mức 226 US cent/pound (tương đương 5.022 USD/tấn), 222,1 US cent/pound (tương đương 4.936 USD/tấn).
Tính chung trong quý II/2022, giá cà phê arabica giao tháng 7 và 9 cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 2,4% và 4%. Nửa đầu năm nay, giá cà phê arabica mất 5,8% giá trị.
Cùng lúc đó, tình hình lạm phát tăng cao và các đồng Yên Nhật, EUR mất giá cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các nước.
Giá cước vận tải “khó đoán”
Tính chung trong quý II/2022, giá cà phê trong nước tăng khoảng 8%. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam đánh giá, thị trường cà phê Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát ở các nước khu vực châu Âu, Mỹ đều tăng cao. Trong khi đó, đây đều là các thị trường quan trọng của ngành cà phê Việt Nam.
Ngoài ra, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa thời gian tới.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid-19 gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi cán mốc 70.000 đồng/kg, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng mạnh. Hôm nay (20/7), giá lợn hơi tiếp tục điều chỉnh tại hầu hết các địa phương và chạm mốc 75.000...