Ngư dân làng bè La Ngà trắng tay sau vụ 1.500 tấn cá chết
Nhiều gia đình ở làng bè La Ngà lâm cảnh trắng tay, phải bỏ bè, bỏ sông lên bờ kiếm kế sinh nhai sau vụ cá chết hàng loạt.
Hơn 20 ngày trôi qua nhưng ngư dân làng bè La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn chưa thể gượng dậy sau vụ 1.500 tấn cá chết. Ở bến sông dưới chân cầu La Ngà, lác đác ít người ngồi ở chòi lá và hướng ánh mắt buồn trĩu ra dòng nước mênh mông. Một người nói rằng, bến đò từng là nơi vui nhất của làng bè nhưng sau đêm cá chết, bến đã trở nên hoang vắng. Người dân không thiết đặt chân lên đây vì chả còn cá mú để giao thương, không đặt chân đến bến vì sợ gặp những khuôn mặt mình đang nợ tiền.
“Cá chết - hết chuyện”
Ngư dân vớt xác cá bán cho người dân ủ phân. Ảnh: H.A
Trưa tháng 6, anh Thiện lái xuồng máy chở chúng tôi về phía thượng nguồn sông La Ngà - nơi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào đêm 20, rạng sáng 21.5 vừa qua. Khi xuồng xé nước, xé gió phóng đi cũng là lúc anh Thiện đếm bè, kể tên những hộ dân thiệt hại nặng.
Anh Thiện chỉ tay về bờ bên phải rồi nói: “Bè mình vừa chạy qua là của ông Hùng. Đêm 20.5, ổng nằm trên bè thì hay tin cá của gia đình người bạn phía thượng nguồn chết trắng nên chạy ghe lên vớt hộ. Đang vớt, ổng giật mình nghĩ về cá ở bè mình nên loạng quạng chạy về xem. Vừa lên bè, ông suýt đổ gục khi thấy cá trong bè của mình đã chết trắng từ hồi nào”.
Chúng tôi ghé vào bè nuôi của gia đình ông Võ Văn Thảo. Bè này từng là nơi nuôi nhốt 150 tấn cá nhưng giờ chỉ còn những khung thép đặt trên hệ thống phao. Máy xay thức ăn cho cá, lưới làm ô nuôi, xuồng… đều được chủ nhân xếp gọn rồi cho vào một “kho”gần đó. “Ông Thảo là người nuôi nhiều và cũng là người mua cá của dân đem về trữ để bán nên thiệt hại nặng. Đợt rồi mất trắng gần 5 tỷ đồng nên ổng lên bờ làm việc khác”- anh Thiện nói.
Về phía mình, anh Thiện cho hay gia đình anh thiệt hại khoảng 150 triệu đồng khi cùng lúc mất mấy tấn cá lăng thương phẩm.
Vẫn còn rất nhiều câu chuyện về hoàn cảnh gia đình sau vụ cá chết. Cuộc sống của cư dân làng bè đều phụ thuộc vào con cá, giờ cá chết rồi xem như hết chuyện. Nhiều gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần, buộc lên bờ tìm việc làm lấy tiền sinh sống qua ngày. Nhà ít thì 50 triệu, nhà nhiều lên đến vài tỷ đồng.
Nghi nước ô nhiễm do xả thải?
Trước kết luận của cơ quan chức năng về cá chết do thiên tai, nhiều ngư dân cho rằng nguồn nước ô nhiễm có thể do tác động xả thải.
Ông Võ Văn Thảo nói nếu cá chết do mưa thì chết nhiều lần trước chứ không phải chỉ sau cơn mưa hôm 20.5. Theo ông Thảo, vào đêm 20.5, cá trong bè của ông nổi đầu, nhảy tung lên khỏi mặt nước sau đó bị chết. Chỉ trong thời gian 45 phút, xác cá la liệt, phần mang chuyển từ màu đỏ sang trắng như bị đổ chất độc. “Cá chết do mưa sao chỉ chết ở vùng thượng nguồn? Các bè cá của người dân ở dưới hạ nguồn không bị ảnh hưởng? Tôi nghi chỉ có nhà máy xả thải cá mới chết như vậy”- ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, ở khu vực thượng nguồn có nhà máy chế biến xoài xuất khẩu và có kênh nước thải từ nhà máy đổ ra sông La Ngà. Ở khu vực này, người dân từng ghi nhận nguồn nước có màu đen, mùi hôi đổ ra sông.
Trong khi nhiều ngư dân lên bờ kiếm việc làm, một vài hộ vẫn bám lại bè và tiếp tục “liều mình” thả cá mới. Anh Huỳnh Văn Thư cho biết gia đình anh gắn với nghề đã lâu, lên bờ cũng không biết làm gì để sống nên lại bắt tay vào nuôi lứa cá mới. Tuy nhiên, anh không dám nuôi nhiều vì sợ tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.
Đề xuất phương án hỗ trợ Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh và đề xuất hướng hỗ trợ cho ngư dân. Theo ông Vinh, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân cá chết do thiên tai nên chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ người dân theo Nghị định 02 của Chính phủ Tính theo khối lượng, cứ 100m3 lồng nuôi, nếu thiệt hại từ 30-70% thì hỗ trợ từ 3-7 triệu đồng, nếu thiệt hại từ 70-100% thì hỗ trợ từ 7,1-10 triệu đồng. Các đối tượng được hỗ trợ phải theo quy định, tức là phải nuôi trong quy hoạch, khi nuôi phải đăng ký chính quyền và khi xảy ra dịch bệnh thì phải thực hiện theo hướng dẫn về mặt chuyên môn. |