Ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm ruốc biển
Những ngày gần đây, ngư dân vùng biển Hà Tĩnh liên tục trúng đậm ruốc, có những chuyến tàu đánh bắt thu về hàng tấn ruốc, trừ chi phí lãi hơn chục triệu đồng.
Những ngày này, chỉ trong một ngày khai thác, các tàu cá của ngư dân ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã có thể thu về tiền triệu đến chục triệu mỗi ngày.
Ruốc (hay còn gọi là moi, tép biển) là tên gọi của một loại động vật giáp xác mười chân. Sống ở vùng nước ven bờ biển. Hình dạng như con tôm nhỏ, chỉ khoảng 4mm – 10mm được coi là một đặc sản của miền biển, có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Ngư dân Thạch Kim cho hay, ruốc năm nay đến sớm hơn mọi năm. Những ngày cuối tháng 9 ruốc đã bắt đầu nhiều.
3 ngày qua tàu thuyền đánh bắt ruốc ra khơi liên tiếp, thuyền nhỏ thu về từ 5-7 tạ ruốc, có thuyền lớn thu từ 1,5- 2 tấn ruốc.
Ruốc biển thường xuất hiện dày đặc tại khu vực ven biển, cách bờ biển gần 1km. Ngư dân không cần đi xa bờ, chi phí bỏ ra ít nhưng lại thu được lợi ích kinh tế cao.
Ngư dân đánh bắt ruốc không kể thời gian, cứ đầy khoang thuyền là có thể vào bờ để bán, sau đó lại tiếp tục ra khơi.
Thông thường ngư dân tại xã Thạch Kim đi vào 2 đợt, đợt 1 từ sáng sớm đến trưa và đợt 2 là từ chiều đến tối. Mỗi chuyến chỉ kéo dài khoảng vài 5-7 tiếng đồng hồ là có thể quay vào bờ để bán cho thương lái tránh để lâu ruốc không còn tươi.
Ruốc được thương lái tới mua ngay tại bờ biển với giá khoảng 10 ngàn đồng/1kg, còn nếu ngư dân chở vào các xã ở phía trong thì bán sẽ được giá hơn, khoảng 15 ngàn đồng/1kg, giá cao hay thấp còn tùy vào độ tươi và chất lượng con ruốc.
Chị Nguyễn Thị Phương cho biết, 3 ngày nay mỗi ngày bình quân mua được 6 tấn ruốc từ 5 tàu thuyền đánh bắt về bờ. Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 (ÂL) đến hết tháng 3, nhưng năm nay ruốc đến sớm hơn, ngư dân trúng đậm từ đầu mùa.
“Những tàu lớn mấy ngày này cập bờ cứ đạt 1,5-2 tấn ruốc. Tính ra trừ đi chi phí có tàu thu về từ 10-15 triệu đồng. Vì đầu mùa trúng đậm ruốc như thế này dân cũng phấn khởi, cứ cập bờ, ăn uống xong lại ra khơi”, chị Phương chia sẻ.
Nếu thời tiết được thuận lợi, ngư dân có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Trừ đi chi phí nhiên liệu, mỗi ngày ngư dân tại đây thu về vài triệu đến hơn chục triệu đồng.
Ông Cửu - chủ thuyền vừa cập bờ được 1,5 tấn ruốc. Bán cho thương lái thu về gần10 triệu đồng.
Thương lái ghi sổ tường khay hàng đựng ruốc được đưa vào bờ để thanh toán cho chủ thuyền.
Để có thể bắt được ruốc, người dân phải dùng các dụng cụ đặc thù được làm bằng hai thanh gỗ dài, buộc lưới nhỏ tạo thành hình tam giác. Khi gặp luồng ruốc, người dân sẽ hạ vợt xuống để xúc, đưa lên khoang thuyền.
Ruốc khi đưa lên bờ có thể làm mắm ruốc hoặc phơi khô để chế biến các món như nấu canh, hoặc xào ăn kèm với cải non, xà lách.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau hai tháng tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng sản xuất cốm nổi tiếng của Hà Nội đã bắt đầu...