Nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo: 20 năm chưa xong

Việt Nam là một trong số ít nước phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm nhưng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm con giống.

Tại diễn đàn “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm ở các tỉnh miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 31-3, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam tập trung ở 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với trên 43.000 lồng nuôi, sản lượng hàng năm đạt gần 1.400 tấn, mang lại nguồn thu trên 3.500 tỉ đồng cho khoảng 10.000 hộ.

Trong đó, Phú Yên là tỉnh có số lượng lồng nuôi tôm hùm cao nhất với gần 22.600 lồng. Tuy nhiên, điều đáng lo là tình trạng khan hiếm tôm hùm giống hiện đang diễn ra. “Mỗi năm, cả nước khai thác được từ 7,5 đến 9 triệu con tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống rất cao, đến 350.000 đồng/con. Việt Nam phải nhập tôm hùm giống từ các nước trong khu vực” - TS Võ Văn Nhã, chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng III (Bộ NN-PTNT), nói.

Tất cả tôm hùm giống để nuôi thương phẩm hiện đều khai thác tự nhiên ngoài biển, chưa có một trung tâm nghiên cứu thủy sản nào trên thế giới cho sinh sản nhân tạo được tôm hùm giống. Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết việc nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiến hành hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa khả quan.

Nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo: 20 năm chưa xong - 1

Mua bán tôm hùm trắng ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

“Chỉ mới dừng lại ở việc cho trứng nở thành tôm hùm trắng (tôm hùm mới nở chỉ bằng sợi chỉ - PV) thì chết! Chúng ta chưa thể nghiên cứu được môi trường sinh sản nào hợp lý cho tôm hùm, chưa biết được nguồn thức ăn của tôm hùm bố mẹ trước khi sinh và tôm hùm trắng cũng như quá trình lột vỏ của tôm hùm trắng” - ông Ly cho biết và nói rõ thêm là ngay cả những trung tâm nghiên cứu thủy sản tiên tiến trên thế giới như ở Úc và Nhật cũng chưa thành công trong việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo. Nhật Bản đã đổ hàng tỉ USD để cho tôm hùm sinh sản nhân tạo nhưng cũng chỉ mới cho sinh sản và ươm nuôi đến giai đoạn tôm bò cạp (bằng ngón tay người trưởng thành - PV), cũng chỉ mới ươm nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm.

“Để tránh tình trạng khan hiếm tôm hùm giống, trước mắt vẫn cho khai thác ngoài tự nhiên nhưng cần hạn chế khai thác tôm hùm trắng như tỉnh Bình Thuận đã làm. Theo tính toán, để ươm nuôi trong lồng giai đoạn từ tôm hùm trắng đến tôm hùm bò cạp, tỉ lệ hao hụt rất cao, gần 50%. Ở giai đoạn này, cần để tôm ngoài tự nhiên nhằm hạn chế hao hụt. Chỉ nên khai thác khi tôm ở thời giai đoạn bò cạp” - ông Ly khuyến cáo.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nói để giải quyết bài toán khan hiếm tôm hùm giống thì phải chấp nhận việc nhập khẩu tôm hùm qua giai đoạn ươm nuôi. Tuy nhiên, phải quản lý tốt dịch bệnh, tránh mang nguồn bệnh trên tôm hùm từ những nơi khác vào vùng biển Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giao Long (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN