Nghịch lý: Xuất khẩu VN mang lợi cho người ngoài

Việt Nam là quốc gia có tên tuổi trên bản đồ xuất khẩu thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt lại chưa gia tăng tương xứng với kim ngạch xuất khẩu đang tăng tốc hàng năm.

Lượng nhiều nhưng chất ít

Tại Hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức (30/7), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong ba năm gần đây (từ 2011-2013), bình quân kim ngạch xuất khẩu gia tăng gần 20 tỷ USD/năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 132,13 tỷ USD. Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu tăng trưởng nhanh, với nhiều mặt hàng chủ lực chiếm thứ hạng cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, về cơ bản xuất khẩu của Việt Nam chưa mang lại giá trị gia tăng cao. 

"Vấn đề của xuất khẩu là giá trị gia tăng cho đất nước cao hay thấp và giá trị lợi ích đem về ấy được chia sẻ như thế nào. Trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu và cung ứng toàn cầu, Việt Nam phải tham gia thế nào để không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao cho đất nước, mà giá trị gia tăng ấy phải mang lại lợi ích sâu cho người Việt”.

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Ví dụ, mặt hàng cà phê - một thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam với 95% sản lượng dùng để xuất khẩu, nhưng giá bán luôn nằm ở mức thấp nhất thế giới và bị trả về cũng chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới. Hoặc cao su, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất trên thế giới và 90% sản lượng dành cho xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng cũng chưa xứng với tiềm năng do công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển và Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu ròng hầu hết các sản phẩm cao su. 

Ở lĩnh vực công nghiệp, giá trị gia tăng mà xuất khẩu mang lại cũng rất thấp. Hiện các doanh nghiệp điện, điện tử trong nước mới chỉ giới hạn ở việc tham gia vào các khâu lắp ráp hoặc sản xuất những chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng chỉ đạt 5-10%. Hoặc dệt may - được xếp thứ 2 về xuất khẩu thế giới, nhưng hiện các doanh nghiệp trong nước chủ yếu làm gia công dưới hình thức CMT hoặc FOB nên không chủ động được thị trường. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với hơn 50% nguyên liệu, vải cho dệt may là nhập khẩu, chúng ta đang xuất khẩu hộ và đem lại nguồn lợi lớn cho nước mà chúng ta nhập khẩu nguyên liệu hơn là cho Việt Nam.

Nghịch lý: Xuất khẩu VN mang lợi cho người ngoài - 1

Xuất khẩu gạo

10 khuyến nghị phát triển xuất khẩu

Để xuất khẩu Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam đã đưa ra 10 khuyến nghị, đó là: Xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng; Xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất; Tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng; Xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam; Quy hoạch lại các vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, còn cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chế biến các mặt hàng xuất khẩu và dịch vụ vận tải/logistics; Đầu tư hỗ trợ cải tiến khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu; Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; Cải tiến chương trình đào tạo nghề để có lực lượng lao động có tay nghề phù hợp; Nâng cao năng lực đàm phán, kí kết hợp đồng và tham gia giao dịch quốc tế của các doanh nghiệp, giảm dần việc xuất khẩu qua trung gian.

Theo ông Đinh Văn Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại T.Ư, để mục tiêu xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng thực, đưa được giá trị thực về cho đất nước, cần có nghiên cứu cụ thể về thể chế chính sách liên quan đến sản xuất, cung cấp các hàng hoá, dịch vụ có tiềm năng cao, xem xét về cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại hiện nay để xác định những điểm yếu cần điều chỉnh. Đồng thời, trên cơ sở những thông tin về tiềm năng xuất khẩu và nghiên cứu thể chế, tiến hành xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho từng vùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Quỳnh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN