Nghịch lý giá lợn: Bộ Công Thương giải thích

Sự kiện: Kinh Doanh

Về diễn biến tình hình tiêu thụ và giá thịt lợn từ sản xuất tới tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, qua tìm hiểu thực tế, giá thịt lợn giảm là có thật, nguyên nhân chính do phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu (tiểu ngạch) trong khi nguồn cung trong nước vượt cầu.

Về việc chênh lệch giữa giá lợn hơi và tại các điểm bán lẻ, Bộ Công Thương cho biết, khảo sát tại các chợ truyền thống, người bán lẻ cho biết giá nhập thịt lợn không giảm nhiều do các đầu mối cung cấp (những người giết mổ tự do) không giảm giá thịt xẻ. Chỉ đến gần đây các thương lái giết mổ mới giảm giá bán khoảng 10.000-20.000 đồng/kg) nhưng mức giảm này so với diễn biến của thị trường là không nhiều.

Còn theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một số siêu thị tại Hà Nội như Fivimart, Sai Gon Co.op, BigC, thịt nhập chủ yếu từ nhà cung cấp Minh Hiền. Giá của nhà cung cấp này không giảm nhiều do giá đã được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá thịt lợn giảm sâu.

Cùng đó, do các hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ 1-2 tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất) vì vậy giá của các siêu thị cũng không giảm nhiều. Một lý do nữa được các siêu thị đưa ra để giải thích cho giá thịt lợn tại siêu thị không giảm là do nguồn thịt lấy từ công ty CP. Đây là công ty có lợn nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật  và giá bán cao hơn giá ngoài thị trường tự do.

Nghịch lý giá lợn: Bộ Công Thương giải thích - 1

Mặc dù heo rớt giá thê thảm chỉ còn 18-20.000 đồng/kg heo hơi nhưng khi ra chợ lẻ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá 90-100.000 đồng/kg. Ảnh: Uyên Phương.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, theo Bộ Công Thương, là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp cảnh báo rủi ro từ các bộ ngành, khiến nguồn cung thịt heo vượt nhu cầu trong nước. Vì vậy, khi  phía Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nên hoạt động xuất heo sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc bị ảnh hưởng, gây sức ép lên giá thịt heo trong nước.

Bộ Công Thương khẳng định, các ý kiến khẳng định thịt lợn nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá lợn hơi trong nước giảm sâu và duy trì ở mức thấp là không có cơ sở do thịt nhập chỉ chiếm 1,13% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Để giải bài toán giá thịt lợn giảm sâu, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, điều chỉnh lại vùng nuôi và sản lượng nuôi. Thậm chí cần hạn chế mở mới các cơ sở, doanh nghiệp chế biến  thức ăn chăn nuôi công nghiệp và tăng cường giám sát quy hoạch tại các địa phương.

“Cũng cần khuyến cáo các hộ nuôi và các trang trại nghiên cứu kĩ thị trường và cảnh báo của cơ quan chức năng. Cùng đó, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu phối hợp với các cơ quan khác tìm hiểu việc hỗ trợ tài chính để một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn tăng cường thu mua, tạm trữ, cấp đông thịt lợn, giảm sức ép dư thừa nguồn cung tại các hộ chăn nuôi”, Bộ Công Thương kiến nghị.

Bộ Công Thương khẳng định, các ý kiến khẳng định thịt lợn nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá lợn hơi trong nước giảm sâu và duy trì ở mức thấp là không có cơ sở do thịt nhập chỉ chiếm 1,13% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thục Quyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN