Nghịch lý: Đường dư thừa nhưng hạn chế xuất khẩu

Nguyên nhân chính dẫn đến lượng đường tồn kho trong nước quá lớn là nguồn đường lậu tràn ngập trên thị trường.

Tạm ngưng xuất khẩu đường tinh luyện RE

Bộ Công Thương có Công văn số 29/BCT-BGMN gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam về việc xuất khẩu (XK) đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ cho phép bán đường RS và tạm ngưng XK đường RE. Đường RE sẽ được phép XK trở lại sau khi bảo đảm nhu cầu trong nước. Thông tin trên đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất bất an vì lượng đường tồn kho trong nước quá lớn.

Tràn ngập đường lậu

Nguyên nhân chính dẫn đến lượng đường tồn kho trong nước quá lớn là nguồn đường lậu tràn ngập trên thị trường. Hiện nhiều nhà máy đã vào vụ ép mía rộ nên nguồn cung càng dư thừa. Theo nhận định từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho trong nước hiện lên khoảng 400.000 tấn, trong khi đường nhập lậu lại tràn về với số lượng lớn, khoảng 500.000 tấn/năm. Giá đường nhập lậu tại biên giới 12.400 đồng/kg (về đến TP HCM khoảng 13.200 đồng/kg), cạnh tranh mạnh với đường nội.

Nghịch lý: Đường dư thừa nhưng hạn chế xuất khẩu - 1

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch mía đường

Đường lậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ đường trong nước. Theo thông tin từ Phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan An Giang, hoạt động buôn lậu không hề giảm dù lực lượng hải quan đã tăng cường chốt chặn ở các điểm nóng, có ngày bắt được 5 xuồng cao tốc vận chuyển đường cát Thái Lan từ biên giới Campuchia tuồn vào nội địa. Đường lậu thường đối phó bằng cách sử dụng hóa đơn trong nước.

Để tồn tại, ngành đường trong nước phải tìm cách XK đường qua cửa khẩu phụ. Tuy nhiên, việc XK đường thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn. Nay lại có thêm thông tin Bộ Công Thương không cho XK đường RE lại càng gây khó khăn cho DN sản xuất mía đường.

Cho nhập nhưng cấm xuất

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết  thông báo Bộ Công Thương cho phép 10 DN XK đường nhưng lại không cho hiệp hội biết là những DN nào. Hạn ngạch XK đường của các DN cũng không được thông báo đến hiệp hội. Mặt khác, chỉ cho phép xuất 200.000 tấn đường RS đến hết ngày 30-6, còn đường RE thì không. Việc chỉ cho phép XK một loại đường là không thực tế vì cả 2 loại đường RE và RS đều bị dư thừa như nhau. Còn việc bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước không thể để cho ngành mía đường đang khó khăn như hiện nay phải gánh chi phí dự trữ cho các DN chế biến thực phẩm.

Cũng theo ông Liêm, trước Tết, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 73.500 tấn đường RE và hiện vẫn còn tồn. Đến tháng 6/2014 lại cho nhập khẩu tiếp đường RE nhưng không cho XK đường RE sản xuất trong nước, vô tình làm đường RE bị ứ đọng lớn.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước và sau Tết do XK đường qua Bản Vược bị chậm nên giá đường trong nước giảm, hiện còn dưới 13.000 đồng/kg. Phía Trung Quốc vô mùa vụ nên lượng đường tiêu thụ chậm. Chưa kể, thương lái biết tình hình mía đường trong nước nên ra sức ép giá. Theo lý giải từ Bộ Công Thương, sở dĩ hạn chế XK đường RE là để phục vụ nhu cầu trong nước và chờ đến khi nào đường RE ổn định sẽ cho XK tiếp. Giải thích này không hợp lý vì đường RE năm nào tồn kho cũng rất nhiều. 

Dự báo, tổng lượng đường sản xuất năm 2014 từ 1,5-1,6 triệu tấn, riêng đường RE chiếm gần 600.000 tấn (chưa kể tồn kho cũ). Nếu đường RE không được XK chắc chắn sẽ xuống giá, đẩy giá đường RS xuống theo. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Hưng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN