Nghịch lý: Dưa hấu Việt xuất khẩu giá rẻ, xoài TQ nhập giá cao

Cả 2 mặt hàng nông sản trong nước đang vào chính vụ, nhưng nếu dưa hấu chật vật xuất khẩu hàng với giá rẻ thì xoài từ Trung Quốc quay ngược về Việt Nam với giá cao.

Tháng 2-3-4 âm lịch là thời điểm chính vụ của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có xoài, dưa hấu tại khu vực Tây Nam Bộ. Nếu như dưa hấu là mặt hàng có thị trường tiêu thụ chính tại Trung Quốc, thì xoài thường được nhập ngược từ Trung Quốc về Việt Nam và phân phối chính tại các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc.

Năm nay, dưa hấu xuất sang Trung Quốc có số lượng tăng bất thường, gây hiện tượng ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, nơi thông quan chính của mặt hàng này. Mỗi ngày, theo thống kê của Bộ Công thương, khoảng vài trăm xe dưa hấu chờ thông quan dưới nắng gắt, khiến chất lượng dưa giảm đáng kể, khi xuất được sang biên giới đều bị ép giá hoặc trả lại hơn nửa hàng. Giá dưa loại 1 xuất sang Trung Quốc chỉ còn 7.000 đồng/kg, dưa đổ mối tại các khu vực giáp Hà Nội xuống 5.000 đồng/kg, trong khi giá mua tại ruộng chỉ chưa đầy 1.000 đồng/kg.

Nghịch lý: Dưa hấu Việt xuất khẩu giá rẻ, xoài TQ nhập giá cao - 1

Giá dưa xuống quá thấp khiến nông dân miền Tây cầm chắc lỗ nặng sau 2 tháng chăm sóc vất vả. Dù có chất lượng tốt hơn dưa miền Trung nhưng thương lái chỉ chịu mua tại ruộng với mức giá 1.500 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Trinh.

Khi chở về tới Hà Nội, dưa được bán lẻ với giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg nhưng lượng bán khá chậm. Một người bán dưa trên đường cầu Diễn cho hay, mỗi xe dưa hấu 1,5 tấn trước Tết chỉ cần 4 ngày để tiêu thụ hết thì đến nay, người bán phải mất gần 10 ngày. Số lượng hàng quá lớn, chất lượng kém và mang mác "hàng Trung Quốc trả lại" khiến người dân không mấy hào hứng.

Trái ngược với dưa hấu, xoài đang là mặt hàng hoa quả được bán nhiều tại các chợ đầu mối ở Hà Nội. Giá xoài bán lẻ dao động trong mức từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, xoài Thái giữ giá trên 45.000 đồng/kg, nhưng mỗi ngày, tại chợ Mễ Trì Thượng, gần chục xe xoài bán rong có thể tiêu thụ cả trăm cân. Các chủ buôn hàng khẳng định đây là hàng Việt, nhập từ khu vực Nha Trang trở vào đến Tiền Giang, nhưng thực tế từ đầu mối Sài Gòn thì hoàn toàn ngược lại.

Theo chủ mối xuất hoa quả tại quận 8. TP.HCM, xoài Hoà Lộc, Tiền Giang phải 2 tuần nữa mới vào chính vụ. Xoài đầu vụ hiện rất ít hàng, giá mua tăng cao. Công vận chuyển từ miền Nam ra đến các tỉnh khu vực miền Bắc và Hà Nội là 43.000 đồng/km, mỗi xe tải 30 tấn mất phí trên 100 triệu đồng, khiến giá xoài khi ra Bắc phải trên 40.000 đồng/kg thì đầu mối mới có lãi và chịu xuất hàng.

Nghịch lý: Dưa hấu Việt xuất khẩu giá rẻ, xoài TQ nhập giá cao - 2

Xoài cát Hoà Lộc sẽ bước vào chính vụ từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 âm. Năm ngoái, mưa bão đã khiến xoài trái vụ mất mùa. Ảnh: Minh Hằng.

Trong khi đó, một số địa phương tại miền Bắc năm nay mất mùa xoài do mưa rét liên tục làm thối hoa. Vựa xoài miền Tây chưa vào vụ thu hoạch rộ, xoài miền Bắc mất mùa khiến xoài Trung Quốc được thời xuất ngược về Việt Nam, đội lốt hàng Nha Trang, Hoà Lộc nhưng chỉ bán với giá chưa bằng một nửa.

Anh Bình, nhà tại Phạm Hùng, Cầu Giấy cho biết, hàng mang danh xoài cát Hoà Lộc rất dễ mua tại các khu vực ngoại thành Hà Nội. Tuy cùng mức giá, cùng tên gọi, xuất xứ, nhưng chất lượng hàng rất khác biệt. "Nếu may thì mua được xoài ngon, nhưng không may thì phải đổ đi hết dù cùng là loại 'hàng Sài Gòn'. Phía ngoài quả cầm rất chắc tay, màu vàng xanh đẹp mắt. Thế nhưng khi bổ ra, phần thịt quả ở xung quanh hạt đã chuyển màu, chảy nước. Đặc biệt, xoài và ổi mua chung tại một số mối lẻ ăn có vị giống nhau, ngọt gắt và khó phân biệt mùi đặc trưng".

Xoài chính vụ 'ngậm' hóa chất gắn mác đặc sản

Theo tin từ báo Lao Động, xoài Trung Quốc đang đội lốt xoài chính vụ Sài Gòn được dân buôn ủ hóa chất (chủ yếu là chất thúc chín và chất chống thối) để tuồn vào Việt Nam bán với giá cao. Ở đường Đại Cồ Việt, người bán hàng quảng cáo xoài tượng “xịn” với giá 35.000 đồng/kg, đảm bảo ngọt lừ. Thực tế, trung bình giá xoài nhập chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg, khi bán ra thị trường lên đến 40.000 - 60.000đ/kg. Dân buôn lấy hàng rẻ, nhưng vì gắn mác Việt Nam, hàng Úc, Thái nên khách hàng đã mua với giá cao hơn gấp hai, ba lần mà không hề hay biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Minh (Zing.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN