Nghỉ lễ, giới trẻ đi săn "hàng hiệu" giá 50.000 đồng
Những ngày cuối của đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, không khí mua sắm tại các khu chợ nhộn nhịp. Nhân lúc vẫn còn nghỉ học, nhiều bạn trẻ rủ nhau đi săn quần áo hè rẻ tại các khu chợ.
Ninh Hiệp - chợ quê hút khách
Tọa lạc tại làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, chợ Ninh Hiệp là một điểm đến khá thường xuyên của những bạn trẻ thích mua đồ giá rẻ.
Những ngày này, thời tiết miền Bắc vẫn chưa thực sự nắng gắt, nhưng không khí mua sắm hàng hè tại chợ Ninh Hiệp thì đã lên cao. Khắp chợ bày la liệt đủ loại áo, quần nhập từ Trung Quốc với nhiều kiểu dáng, chất lượng khác nhau.
Không khí mua sắm sôi động tại chợ Ninh Hiệp.
So với nhiều chợ đầu mối, thái độ bán hàng của các chủ quầy ở Ninh Hiệp khá nhã nhặn. Khách có thể thoái mái hỏi hàng, xem chất mà không bị ép mua. Khách mua lẻ cũng có thể mặc cả nhưng thông thường sẽ không được bớt nhiều.
N.T.Hương, sinh viên ĐH Hà Nội cho biết: “Ở đây, các chủ hàng thường không nói thách nhiều. Tuy nhiên, muốn mua hàng giá rẻ thì phải mua buôn hoặc lấy với số lượng tương đối. Hàng lẻ thì không giảm nhiều”.
Vải vóc cũng là mặt hàng chủ đạo khiến nhiều bạn trẻ cất công đến chợ Ninh Hiệp. Vải ở đây thường được đóng thành kiện lớn.
Ngọc Diệp, sinh viên năm cuối ĐH Thương Mại, tâm sự: “Ở chợ Ninh Hiệp có nhiều loại vải bó to, thường có giá khá rẻ, bởi là hàng cũ, mảnh nhỏ hoặc bị lỗi. Nhưng nếu tinh mắt, mình cũng chọn được những tấm vải đẹp chất, đẹp dáng mà lại hợp với túi tiền sinh viên”.
Trâm, sinh viên ĐH Kiến Trúc, một tiểu thương đến nhập hàng, chia sẻ: “Đến Ninh Hiệp nên mua vải, vì vải ở đây rất rẻ. Nếu mua quần áo mà không phải là khách buôn thì cũng khó chọn được đồ đẹp, giá rẻ, chỉ có thể tạm gọi là phải chăng. Dân ở đây thường nhìn mặt và dựa vào cách nói chuyện để phân biệt giữa thợ và khách lẻ. Tuy nhiên, nếu nói dối là lái buôn mà mua lẻ, bạn sẽ chỉ khiến chủ sạp nổi cáu”.
Săn "hàng hiệu" giá 50.000 đồng
Quần áo bày bán tại chợ Ninh Hiệp mua buôn có thể coi là đứng đầu về độ rẻ, nhưng có lẽ vẫn thua xa quần áo hàng thùng.
Với tâm lý thích dùng hàng rẻ, đẹp nhưng lại phải độc, rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến với quần áo thùng.
Nhiều bạn trẻ tìm hàng thùng tại chợ Đông Tác.
Tại các khu chợ Kim Liên, Đông Tác, Nguyễn Quý Đức hay Hàng Da, quần áo, hàng hóa cũ được bày bán với số lượng lớn. Khách hàng có thể thỏa sức lựa chọn những bộ quần áo đẹp và độc nhất với giá phổ biến trên dưới 50.000 đồng/chiếc.
Tại chợ Đông Tác - khu chợ hàng thùng nổi tiếng, bày bán đủ loại đồ từ quần áo người lớn, trẻ em đến dây lưng, túi xách… và cả đồ nội y. Chị Mai, một chủ hàng, cho biết: “Áo quần ở Đông Tác đều là hàng nhập ngoại, đã qua sử dụng hoặc bị lỗi mốt, lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên vì giá rẻ nên khu chợ này tồn tại đã lâu, vẫn luôn đắt hàng”.
Hồng Tâm, sinh viên ĐH Công Nghệ, một tín đồ cuồng săn hàng thùng, tâm sự: “Hàng thùng hơi cũ, nhưng nếu tinh mắt, khách tha hồ tìm được đồ đẹp, độc, không lo bị đụng hàng giống đồ mua ở chợ. Chính vì thế, mình có thói quen săn hàng mỗi khi mùa mới. Nhân dịp nghỉ lễ, mình có nhiều thời gian để bới tìm hàng thùng đổ đống một cách cẩn thận hơn”.
Sạp hàng chuyên bán sơ mi trắng. Nếu tinh mắt, người mua có thể chọn được những chiếc sơ mi trắng pha ren đang là mẫu thịnh hành năm nay với giá chỉ 50.000 đồng.
Khác với chợ Ninh Hiệp, hàng ở Đông Tác thường được nói thách khá cao. Nếu không biết cách mặc cả, khách rất có thể bị mua hớ.
Quỳnh Anh, sinh viên ĐH Công Đoàn chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Khi mua quần áo hàng thùng, mình phải mất công bới đi bới lại các loại quần áo đổ đống. Như thế mới có cơ may chọn được đồ hiệu, giá sốc. Nếu chỉ chăm chú hàng treo trên mắc thì bạn dễ nhầm lẫn với đồ nhái, hoặc hàng hiệu chất lượng kém trà trộn vào”.
Quỳnh Anh cũng cho biết thêm, nếu đi mua ở shop hoặc ở chợ, một chiếc áo phông thông thường có giá bán khoảng một đến vài trăm nghìn, nhưng với hàng thùng, giá của chúng chỉ dao động từ 40.000-60.000 đồng, áo sơ mi chỉ từ 50.000-80.000 đồng, quần soóc bò từ 35.000-50.000 đồng…