Nghi án thép Trung Quốc “mượn” xuất xứ

Nhiều mặt hàng thép của Việt Nam xuất khẩu liên tiếp bị kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp

Ngày 7-10, Thương vụ Việt Nam tại Úc - Bộ Công Thương cho biết Ủy ban Chống bán phá giá thuộc Bộ Công nghiệp đổi mới và Khoa học Úc vừa quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu từ một số thị trường, gồm cả Việt Nam.

Thép Việt dồn dập bị kiện

Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép tại Mỹ cũng vừa nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội và thép các-bon chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam. Lý do, họ nghi ngờ một lượng thép Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ để né thuế chống bán phá giá.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, phía nguyên đơn là các DN Mỹ cho rằng sau khi khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44%. Sau lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Mỹ giảm rõ rệt nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm tương tự từ Việt Nam lại tăng đột biến.

Nghi án thép Trung Quốc “mượn” xuất xứ - 1

Thép Việt liên tục gặp khó ở nước ngoài Ảnh: Tấn Thạnh

Tình hình cũng diễn biến tương tự với mặt hàng thép các- bon chống ăn mòn của Việt Nam xuất sang Mỹ. Theo đó, các DN Mỹ kiến nghị DOC điều tra để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp). DOC cho rằng việc điều tra là cần thiết để ngăn ngừa việc lẩn tránh thuế.

Thậm chí, các nguyên đơn còn yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép mạ từ Việt Nam; đồng thời yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này bằng với mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm từ Trung Quốc.

Mỹ không phải thị trường nhập khẩu duy nhất nghi ngờ tình trạng né thuế chống bán phá giá của DN thép Trung Quốc bằng cách mượn xuất xứ từ Việt Nam. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng cảnh báo tình trạng thép Trung Quốc dùng chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Theo thông tin từ Cơ quan Chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF), hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan thời gian qua đã ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.

OLAF nghi ngờ khả năng DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để DN Việt xuất khẩu sang EU bằng C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá. Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAF sẽ kiến nghị hải quan các nước nhập khẩu truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc. Cụ thể, 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam mang theo giấy C/O do cơ quan quản lý Việt Nam cấp đã được nhập khẩu EU trong giai đoạn 2013-2014. Tổng trị giá các chuyến hàng này khoảng 19 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp bị vạ lây

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong 45 ngày kể từ khi nhận được đơn. Để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba (tức thép của Việt Nam) vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp), DOC phải xem xét nhiều yếu tố như sản phẩm này có cùng loại với sản phẩm bị áp thuế; trước khi nhập khẩu Mỹ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế hay không...

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thép nhiều nhất sang Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 12,36 triệu tấn thép nhưng riêng từ Trung Quốc lên tới 7,3 triệu tấn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 60% tổng lượng nhập khẩu.

Tổng giám đốc một DN sản xuất thép xây dựng quy mô lớn nhận xét nếu Mỹ khởi xướng điều tra và áp dụng thuế lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của DN trong ngành thép khi xuất khẩu qua các thị trường khác, dù có thể chỉ một vài DN thép xuất khẩu “giùm” cho DN Trung Quốc. “Thiệt hại lớn nhất có thể xảy ra là cả ngành thép bị vạ lây, trong khi chỉ một vài DN dính nghi án và bị điều tra” - vị tổng giám đốc này lo ngại.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, số lượng thép xuất khẩu qua Mỹ chiếm tỉ trọng không quá lớn so với tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam nên ngành thép không bị ảnh hưởng nhiều. Một phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng chỉ những DN gian lận thương mại mới bị ảnh hưởng bởi quyết định điều tra của Mỹ. Hiệp hội cũng đang theo dõi vụ việc để có hướng hỗ trợ thành viên.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tổng số hơn 70 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường phải đối mặt, 11 vụ liên quan đến lẩn tránh thuế.

Nhiều rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

Ngày 7-10, tại hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa” do Trung tâm WTO và Hội nhập tổ chức, các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro đối với ngành gỗ xuất khẩu. Cụ thể, 5 rủi ro mà DN xuất khẩu gỗ phải đối mặt là: khả năng đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung, thiếu hiểu biết về quy định của các thị trường xuất khẩu… Trong khi đó, khả năng khắc phục rủi ro của mỗi DN có thể ảnh hưởng đến các DN khác. Chẳng hạn, khi phát hiện vi phạm của vài DN Việt, nước nhập khẩu có thể đưa ra cảnh báo hoặc siết chặt cơ chế kiểm soát, quy định đối với các DN khác.

Hiện nhiều thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Úc đồng loạt siết chặt các quy định liên quan đến gỗ, nhất là tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Vì thế, các DN cần đặc biệt lưu ý để tránh gặp rủi ro.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN