Nghèo loanh quanh, quay ra trồng cam Canh lại thành tỷ phú
Từ diện hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo làm giàu, và giờ đây ông Đoàn Văn Ba (khu 8, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) trở thành tỷ phú nhờ trồng cam đường canh.
“Mỗi năm có thể mua một chiếc ô tô.” – Đó là lời nói đùa của các cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ khi giới thiệu về tỷ phú trồng cam Đoàn Văn Ba ở thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Theo lời giới thiệu, phóng viên Dân Việt đến thăm trang trại cam 360 của ông Đoàn Văn Ba tại khu 8, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ.
Tỷ phú trồng cam Đoàn Văn Ba bên những cây cam đường Canh
Phải đến tháng 10 Âm lịch, cam đường Canh mới vào mùa thu hoạch, nhưng chúng tôi không khỏi thích thú trước những trái cam xanh mươn mướt, sai trĩu cành, trông vô cùng thích mắt. Theo ông Ba, so với các loại cây ăn quả khác cùng trồng trong trang trại như vải, nhãn, thanh long, cam Vinh…, 2,7 ha trồng cam đường Canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Đến vụ thu hoạch, những trái cam đường Canh này có giá khoảng 50.000 đồng/kg
Ông Ba chia sẻ, những năm 1998, khu đất nhà ông trồng chủ yếu vải, nhãn. Nhưng do sản lượng vải, nhãn bấp bênh vì mất mùa, đầu ra không ổn định, hoặc được mùa mất giá, doanh thu không đủ chi phí đầu tư nên gia đình ông chuyển đổi một phần diện tích đất sang loại cây trồng mới.
Để tìm được loại cây phù hợp, ông Ba đã đi thực tế ở nhiều nơi như Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, tìm tòi học hỏi một số mô hình cây trồng có múi. Sau đó, ông mua giống cây ở các tỉnh về trồng thay thế cho phần diện tích vải có năng suất thấp.
Đến nay, 2,7 ha cam đường Canh trong tổng số 6,6 ha diện tích cây ăn quả nhà ông Ba cho sản lượng khoảng 37-40 tấn/ năm. Thậm chí, nếu được mùa như năm ngoái, sản lượng có thể lên đến 50 tấn/ năm. Với giá bán khoảng 50.000 đồng/ kg, ông Ba thu khoảng 2,5 tỷ đồng chỉ nhờ cam đường Canh. Trừ các loại chi phí như chăm sóc, nhân công,... ông lãi trên 1 tỷ đồng/ năm nhờ cam đường Canh.
Những trái cam đường Canh xanh mươn mướt, sai trĩu cành, vô cùng thích mắt
Cũng theo ông Ba, cây cam đường Canh là loại cây “khó tính” nhất trong nhóm cây ăn quả có múi. “Cả huyện Hoành Bồ chỉ có mấy người trồng cam, nhưng cũng năm được năm mất, nhưng nhà bác thì năm nào cũng được mùa. Tuy nhiên, cam đường Canh không phải loại cây “làm chơi ăn thật”. Chi phí để chăm sóc cây cam đường Canh rất nhiều, phân tro, công cán, thuê thợ... Mặt khác, kỹ thuật trồng cây cam này cũng rất khó. Thậm chí, nếu cây bị bệnh mà không chữa kịp thời, thì chỉ có nước chặt gốc vất đi.”
Ngoài trồng cam đường Canh, trang trại của ông Ba còn trồng thêm cây nhãn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo chị Đỗ Thu Hằng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoành Bồ, cam đường Canh nhà ông Đoàn Văn Ba tuy cùng loại giống với các địa phương khác, nhưng chất đất và kỹ thuật chăm sóc ở đây khác biệt nên quả cam chất lượng hơn, được nhiều người biết đến và rất ưa chuộng. “Cam đường Canh này của nhà bác Ba chỉ nho nhỏ, vỏ màu đỏ cam rất đẹp mắt. Những trái cam đường Canh được mua ở chợ thường có màu đỏ sẫm, loại cam đấy có thể là cam Trung Quốc, hoặc là cam không ngon, thậm chí là phẩm màu. Nhưng cam đường Canh của bác Ba là màu đỏ cam, vỏ móng dính như tờ giấy và ngọt đậm”.
Cũng theo tỷ phú trồng cam, các sản phẩm tại trang trại cam 360 như nhãn, cam… đều được các thương buôn đến tận trang trại thu hái. Đến mùa thu hoạch, người đến mua đông đến nỗi không đủ chỗ đỗ xe ô tô. Không những vậy, nơi đây còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm tại trang trại. Ông Ba cho biết, nếu chậm chân, đến trang trại vào dịp sau Tết ông Công ông Táo thì không còn cam để ăn.
Nhìn những trái cam, ông Ba cho biết, năm nay, vườn cam đường canh của nhà ông sẽ lại thắng lớn
Chỉ tính riêng cam đường Canh, mỗi năm ông Đoàn Văn Ba cung cấp cho thị trường khoảng 40 - 50 tấn. Ngoài ra, trang trại của ông Ba cũng cung cấp khoảng 20 tấn cam Vinh, 20 tấn vải và 15 tấn nhãn, doanh thu trên 3 tỷ đồng.
Ông Ba chia sẻ, trong thời gian tới đây, ông sẽ xin đề nghị chuyển đổi quy hoạch đất trồng cây ăn quả lâu năm thành đất trang trại, làm khu du lịch sinh thái, phục vụ khách tham quan du lịch, các cháu thiếu nhi…