'Nghệ thuật' tăng giá thời lạm phát
Lần đầu tiên, các lãnh đạo Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính thừa nhận, phải lạm phát "êm" thì mới áp lộ trình giá thị trường. Tăng bao nhiều, đưa vào lúc nào, điều hành giá phải có nghệ thuật.
Chờ chỉ số giá phải êm thì hãy tăng giá
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương hôm 25-26/12, Chính phủ đã chỉ đạo năm 2013, lạm phát phải thấp hơn năm nay và tăng trưởng cũng phải cao hơn năm nay. Nghĩa là, lạm phát 2013 sẽ phải thấp hơn con số 6,81% và GDP tăng trưởng cao hơn 5,03%. Nhưng chia sẻ tại một cuộc hội thảo về giá cả thị trường của Viện Kinh tế- tài chính mới đây, các chuyên gia đều lo ngại, đây thực sự là một thách thức lớn.
Mục tiêu CPI dưới 6,81% là hơi khó! Với khẳng định này, ông Nguyễn Duy Thiện, Trưởng phòng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính bày tỏ, tái cơ cấu nền kinh tế cần thời gian dài mới có kết quả trong khi, chúng ta mới đi qua chặng đường ngắn được 1 năm. Kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, sức đề kháng của nền kinh tế với các biến động bên ngoài chưa tốt, độ nhạy cảm với các cú sốc rất lớn.
Trong khi đó, năm 2013 vẫn lơ lửng có nhiều áp lực tăng giá. Đầu tiên là xu hướng giá cả thế giới có thể tăng. Thêm nữa, đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng.
Ông Thiện cho biết, giá điện bình quân đã tăng 5% từ 22/12 vừa qua và sẽ tiếp tục tăng 5% từ 1/7/2013. Giá dịch vụ y tế hiện vẫn còn tới 31 tỉnh thành chưa điều chỉnh tăng như lộ trình được duyệt. Trong khi đây là thủ phạm "kích" CPI tăng bất thường hồi tháng 9.
Lạm phát giảm, DN vẫn khó khăn (ảnh: P.H)
Ông nhận xét, vừa qua, các địa phương, bộ ngành chưa đặt ra được một lộ trình "êm" hơn khi tăng giá. Ví dụ như việc tăng giá dịch vụ y tế hồi tháng 9 chưa thực hiện tốt. Sự phối hợp giữa các bộ ngành địa phương chưa thực sự ăn khớp với nhau.
Rõ ràng, vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải thực hiện lộ trình giá thị trường. Đây là nghệ thuật khi điều hành giá.
"Cần thực hiện lộ trình giá thị trường lúc nào, đưa vào bao nhiêu... là phải có nghệ thuật. Chẳng hạn, khi CPI giảm thì mới tăng giá các mặt hàng này", ông Thiện nhấn mạnh.
Về điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, hiện là phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam chia sẻ: "Khi còn làm việc đương chức, tôi luôn chọn giai đoạn thuận lợi hơn để điều hành giá. Lạm phát êm thì thực hiện lộ trình tăng giá. Thời gian tới, việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục không nên biến thành tổng tấn công CPI như tháng 9 vừa qua".
"Bộ Tài chính cũng đã có văn bản cho Bộ Y tế và các bệnh viện lớn về vấn đề này trong năm tới. Nhưng nếu không kiểm tra sát sao thì khó mà kiềm chế lạm phát", ông Thỏa lưu ý.
Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, chúng tôi đã khuyến nghị khi các tỉnh thực thi điều hành tăng giá dịch vụ y tế vẫn cần kiểm soát, chỉ đạo. Cần phải lường trước những tác động như giá điện tăng lên, giá đầu vào tăng, tác động vào CPI mạnh. Bà cũng lo ngại, nếu tăng dồn dập viện phí, dịch vụ y tế như 30 tỉnh vừa qua thì sẽ ảnh hưởng.
Tháng 7 năm nay, đúng lúc CPI "âm", giá xăng dầu dồn dập tăng liên tục tới 4 lần theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Giá điện cũng bất ngờ tăng 5%. Khi đó, các lãnh đạo ngành giá đều bác bỏ hoài nghi dư luận cho rằng, tranh thủ lạm phát thấp nên cho tăng giá.
Lần tăng giá thứ hai vào 22/12 của giá điện cũng được cho là sự khôn khéo của EVN và liên bộ Tài chính- Công Thương. Đây là lúc giá điện không thể có ảnh hưởng tiêu cực nào tới chỉ số CPI cả năm 2012 đã rất đẹp đẽ dưới 7%.
Lạm phát có thể bị thổi bùng nếu lơ là
TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính chia sẻ: "Muốn tăng trưởng cao hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đổ thêm vốn. Nếu năm 2013, chúng ta lại đẩy đầu tư công tăng lên để đảm bảo mục tiêu này thì lạm phát sẽ lên. Tính ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta rất kém. Điều này rất khó cho cơ quan điều hành chính sách"
Theo ông Tuyến, trong 2 nhiệm vụ này, vẫn phải đặt mục tiêu lạm phát thấp hơn sau đó mới là mục tiêu tăng trưởng. Mục tiêu lớn của năm 2013 vẫn phải là ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn lại năm 2012, lạm phát 6,81% có thể coi là một kết quả tốt nhưng không thể chủ quan. Ông Nguyễn Tiến Thỏa nói, tồn kho lớn, nợ xấu cao, tổng cầu giảm là điểm nghẽn trong thị trường hiện nay. Chính vì tổng cầu kinh tế giảm mạnh nên sản xuất đình trệ, giá cả không thể lên được dù cho những yếu tố đẩy giá rất mạnh thời gian qua.
"Chính phủ đề ra mục tiêu CPI dưới 6,81% thì có thể hiểu, CPI năm tới cần nằm trong khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, tiềm ẩn lạm phát năm sau vẫn còn", ông Thỏa cảnh báo.
Theo phân tích của ông, những nguyên nhân sâu xa là từ gốc nền kinh tế vẫn còn đó như sức cạnh tranh kém, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Những yếu tố nội tại này cộng hưởng với các tác động mạnh bên ngoài sẽ góp phần thổi bùng lạm phát lên.
Ông Thỏa cũng cho rằng, sang năm, chính sách tiền tệ tài khóa vẫn phải thận trọng, linh hoạt thay vì thắt chặt như năm 2012. Chính sách này phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng lãi suất hợp lý, điều chỉnh cung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như những ngành sản xuất thực tế. Hệ số ICOR phải cố gắng hạ thấp. Tất cả những giải pháp đồng bộ đó mới có thể giúp tránh được tình trạng bùng phát lạm phát theo chu kỳ.