Nghề thời vụ cả trẻ con và người già đều làm được, kiếm trăm nghìn/ngày
Nghề này diễn ra khoảng 2 tháng trong năm, dễ làm và ai cũng có thể làm được, nếu chăm chỉ có thể kiếm hàng trăm nghìn mỗi ngày.
Nghề bóc long nhãn là công việc phổ biến tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong mùa hè, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8. Công việc này đòi hỏi người lao động phải bóc vỏ quả nhãn, tách hạt để lấy phần cùi, sau đó xếp vào phên để sấy khô. Đây là một nghề truyền thống đã tồn tại nhiều năm và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình.
Thu nhập từ nghề bóc long nhãn có thể dao động tùy thuộc vào số lượng nhãn bóc mỗi ngày. “Có những ngày, 3 mẹ con tôi có thể kiếm được gần 400 nghìn đồng. Đây là mức thu nhập không quá cao nhưng ưu điểm là linh động thời gian, tôi thích thì làm mà mệt thì nghỉ, tôi vẫn còn thời gian để đưa đón 1 đứa nhỏ đi học và làm các công việc nhà”, chị Nguyễn Thị Thiết (Tiên Lữ, Hưng Yên) chia sẻ.
Những chùm nhãn sẽ được vứt bỏ phần cuống để những người bóc long nhãn thuận tiện hơn.
Mỗi buổi sáng, sân nhà chị lại có khoảng gần chục người từ người lớn tới trẻ em đến để bóc long nhãn. Chị kể lại năm nay do tập hợp được gần chục người nên chị ở nhà cũng có thể bóc long nhãn thuê. Còn mọi năm, chị phải dậy từ rất sớm tới tận nhà chủ lò sấy long nhãn để làm.
Thông thường, người làm nghề bóc long nhãn thuê sẽ phải di chuyển tới lò sấy long nhãn để làm việc. Nhưng năm nay, chị đã thương lượng với chủ lò sấy long nhãn về việc đem nhãn về nhà để làm và mỗi ngay cam kết sẽ bóc được khoảng hơn 2 tạ nhãn quả.
Long nhãn bóc ra sẽ được xếp lên phên để chuẩn bị cho vào lò sấy
Vì vậy, cứ khoảng 5h sáng, nhà chủ có lò sấy long nhãn sẽ chở khoảng gần 3 tạ quả nhãn đến nhà chị Thiết cùng với khoảng chục chiếc phên để đặt long vào. Sau đó, mọi người sẽ đến nhà chị để lấy nhãn và bóc cùng. Mỗi cân nhãn sau khi bóc xong sẽ được trả 3.500 đồng.
“Tôi muốn nhận nhãn về nhà làm vì muốn con cái tôi không phải thức khuya dậy sớm, ở nhà tôi vẫn có thể làm được việc nhà và đưa đón con nhỏ đi học”, chị nói.
Để bóc long nhãn, người lao động cần một dụng cụ đặc biệt gọi là ngòi xoáy. Đây là một công cụ có cán gỗ và ngòi bằng nhôm hoặc đồng, rất sắc bén và cong. Việc sử dụng ngòi xoáy đòi hỏi kỹ thuật và sự cẩn thận để không bị thương. Người làm việc phải bóc một phần vỏ quả nhãn, sau đó dùng ngòi xoáy để lấy phần cùi bên trong và xếp vào phên để sấy khô.
Tùy vào loại nhãn, công việc này có thể dễ dàng hoặc khó khăn hơn. Theo đó, nhãn cùi, nhãn hương chi, hay một số giống nhãn cùi dày, quả to, ít nước sẽ rất dễ xoáy và long nhãn làm ra cũng tròn, đẹp. Ngược lại, những ngày phải xoáy nhãn nước, trái nhỏ, năng suất của mọi người giảm đi rõ rệt.
Công việc này cả người già và trẻ em đều có thể làm được trong dịp hè.
Nhà chị Thiết 3 người lớn làm có thể xoáy được hơn 1 tạ nhãn mỗi ngày. Đó là làm việc chưa hết sức, vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Còn với một người có tay nghề, họ có thể xoáy được đến hơn 40kg/ngày.
Điều đặc biệt là nghề này người già hay trẻ em đều có thể làm được. Theo chị Thiết, có một cháu bé đang học lớp 2 hàng ngày vẫn đến nhà chị để bóc long nhãn thuê. “Do năm nay mới tập làm, mỗi ngày bé làm được khoảng 8-10kg thôi. Là trẻ con vẫn tuổi ăn và chơi nên bé chỉ làm được một lúc là lại chạy đi chơi chứ không ngồi miệt mài làm như người lớn”, chị nói.
Cũng bóc long nhãn cùng chị Thiết, chị Thảo đã có kinh nghiệm gần chục năm làm nghề cho biết, chị có con nhỏ nên có ngày bóc được có ngày không. Ngày nào đi sớm về muộn, chị cũng bóc được hơn 40kg.
“Bóc long nhãn này nhẹ nhàng mà thu nhập cao hơn làm nghề thông tâm sen. Nhưng nghề này ngồi nhiều khá đau lưng và dễ bị nước ăn chân, tay vì mật nhãn chảy ra nên người làm cũng cần phải kiên trì”, chị chia sẻ.
Để có thêm thu nhập trong ngày hè, năm nào chị cũng đi bóc long nhãn. Mỗi vụ, chị kiếm được 1-2 triệu đồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Được ví như 'kho vàng' nếu đưa ra khỏi đồng ruộng, song người nông dân ở nước ta vẫn thường vùi rơm rạ trong bùn đất. Thói quen này không thu được tiền mà còn khiến lượng phát thải CO2 tăng gấp đôi.
Nguồn: [Link nguồn]