“Nghệ sĩ” chế tạo máy giúp nhà nông vơi nhọc nhằn
Từ những “đơn đặt hàng” của cuộc sống, ông mày mò chế tạo máy nông nghiệp giúp bà con vơi bớt nỗi vất vả. Những chiếc máy ấy dù đoạt giải hay không, nhưng chưa bao giờ ông đem đi đăng ký sở hữu trí tuệ, bởi ông có ý nghĩ giản đơn rằng: Mong mọi người đều có máy để vơi nỗi nhọc nhằn.
Người đàn ông đó là ông Nguyễn Văn Long, sinh năm 1957, ngụ tại ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đến nay ông đã có hàng loạt sáng chế hữu ích giúp nông dân (ND) bảo toàn vườn cây trước dịch bệnh và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Chế máy cho nông dân
Sinh ra và lớn lên tại xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, vốn xuất thân từ nhà nông, ông thấu hiểu nỗi cơ cực của người ND. Tại vùng Hậu Mỹ, ngoài nghề trồng lúa nước không còn nghề nào khác thay đổi cuộc sống, nên cái nghèo cứ bám riết cuộc đời người dân. “Năm 1990, nhiều người nói đất ở miền Đông Nam Bộ còn nhiều, dân cư thưa thớt nên tôi quyết định bán 3ha đất gò cùng tất cả tài sản ở quê, rồi khăn gói đưa vợ con lên tỉnh Sông Bé lập nghiệp. Thời điểm đó đất khá rẻ, nhưng vốn liếng không nhiều nên tôi phải tìm nơi thật rẻ để mua. Rồi không biết cơ duyên thế nào lại đưa đẩy tôi về ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên – nơi ba tôi hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước - để lập nghiệp” - ông Long kể lại.
Lão nông Nguyễn Văn Long lái máy kéo thiết bị phun thuốc vào xịt cho rẫy cao su của gia đình.Ảnh: T.T
Sau khi mua 10ha đất rừng chồi với giá 10 chỉ vàng lúc bấy giờ, ông trồng cao su, cây ăn trái, nuôi cá… hễ việc nào đẻ ra tiền là ông xắn tay vào làm. Đến năm 1998, với số tiền lời từ vườn cây ăn trái, ông Long mua thêm 15ha trồng cao su. "Cây cao su vào mùa lá rụng, nếu không giải quyết nhanh, lỡ bị cháy sẽ thiệt hại rất lớn. Trong khi nhân công tại địa phương ngày càng hiếm, còn người làm thuê từ miền Tây lên cũng chỉ làm thời vụ. Bên cạnh đó, thổi lá bằng máy thủ công khá nguy hiểm vì cánh quạt dễ va vào đá dẫn đến gãy cánh, văng vào người gây thương tích. Chưa kể khi thổi bằng máy thủ công bụi tung mịt mù ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, và mỗi người cũng chỉ thổi được 2-3ha/ngày” - ông Long cho biết.
Để giải quyết bài toán dọn lá, từ năm 2002 lão nông Nguyễn Văn Long bắt đầu tìm cách chế máy thổi lá. Đến năm 2005, khi thử nghiệm tại vườn nhà, cho kết quả 1 máy thổi lá cùng 1 người điều khiển có thể thổi được 25ha/ngày, tiêu thụ chỉ hết 10 lít dầu, thay thế được 25-30 lao động quét lá bằng tay hoặc 8-10 lao động dùng máy thổi thủ công. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trồng cao su từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… đổ về học hỏi và được ông Long nhiệt tình chỉ dẫn cách thiết kế, lắp ráp.
Thành công tiếp nối
Sau thành công của máy thổi lá, ông Long tiếp tục chế máy rải phân tự động để bón cho rẫy cao su, bắp, mì, đậu. Theo ông, người rải phân thường cầm thúng đi bộ rải, mỗi nhân công làm việc cật lực cũng chỉ được 2-2,5ha/ngày, trời mưa không thể rải, nguy cơ nhiễm độc hóa chất khá cao. Với những suy nghĩ như trên, ông tiếp tục mày mò chế máy rải phân tự động. Theo thiết kế, máy rải phân giống như rơ-mooc, bên trong có vít xoắn bằng thép. Khi chiếc máy kéo chạy, vít xoắn cũng vận hành để trộn phân, sau đó phân bị dồn xuống 1 ống vít vô tận nằm sau rơ-mooc và được 4 cánh quạt thổi văng ra ngoài. Với máy rải phân tự động, 1 người có thể rải được 25ha/ngày, trời mưa không nghỉ, phân bay ra ngoài thấm đều trong phạm vi từ 3-6m2, hạn chế lượng phân hao hụt khá nhiều. Đặc biệt người lao động không bị nhiễm hóa chất.
Với bản chất thật thà của người nông dân, tất nhiên ông Long cũng không đăng ký sở hữu trí tuệ đối với máy rải phân. “Thực tình tôi chế tạo máy với mục đích giảm nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất, không trễ mùa vụ của gia đình. Mình là ND nên thấu hiểu nỗi cực khổ của ND, nếu phát kiến của mình được nhiều người học hỏi để phục vụ sản xuất, làm giàu cho gia đình họ thì mình đã vui rồi. Đăng ký sở hữu trí tuệ làm chi cho mất công” - ông Long bộc bạch.
Đối với người trồng cao su, sợ nhất căn bệnh phấn trắng và bệnh vàng lá, dẫn đến rụng trơ cành làm lượng mủ giảm trầm trọng. Từ nỗi lo đó, năm 2008, lão nông Nguyễn Văn Long tiếp tục nghiên cứu chế thiết bị phun thuốc cao áp nhằm làm cho thuốc phải bám vào được những cành cao nhất của cây cao su. Theo ông, thiết bị xịt thuốc thông thường không thể vươn hơn 15m, trong khi cao su có nhiều vườn cây cao trên 20m, phải tốn nhiều nhân công nhưng thuốc vẫn không bám được cành lá nếu xịt không kỹ và không diệt được tận gốc mầm bệnh.
Từ ý tưởng này, thiết bị phun thuốc cao áp phòng trị bệnh vàng, rụng lá cao su ra đời. Với thiết kế 12 cánh quạt nằm trong lồng sắt đường kính 1m, áp lực thổi 40kg/cm2, dùng máy kéo từ 15-20 sức ngựa để kéo rơ-mooc chở bình thuốc từ 1.000 – 3.000 lít (tùy người sử dụng – PV). Khi phun, thuốc bay cao từ 25-30m, thấm đều cành lá, 1 người điều khiển có thể xịt từ 20-25ha/8 giờ lao động. Đặc biệt, thiết bị phun thuốc do ông Long sáng chế có thể điều khiển cho lắc lư theo 3 mức: 30-45-60 độ, đảm bảo khi phun lên không trung, nhờ độ lắc, thuốc tạt sang 2 hàng cao su. Ngoài ra giá thành chỉ từ 35-40 triệu đồng/thiết bị phun, trong khi máy phun của nước ngoài lên tới 250 triệu đồng và không thể “lắc lư”. Chính vì những ưu điểm vượt trội, nên thiết bị phun thuốc cáo áp do ông Long sáng chế đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương.
Trước khi tạm biệt, phóng viên khá bất ngờ khi ông Long cho biết hiện ông đang lập hồ sơ máy cắt - băm cỏ tự động và máy bỏ cám tự động đi dự thi. “Thay vì người dân cầm liềm cắt cỏ, bỏ bao chở về rồi mới xắt ra cho gia súc ăn. Chiếc máy cắt – băm cỏ tự động có thể vừa chạy vừa cắt, vừa băm cỏ. Khi chở cỏ về nhà hoặc trang trại, chỉ đổ vào chuồng cho gia súc ăn. Đối với máy bỏ cám tự động, thay vì vác từng bao cám, công nhân chỉ cần bỏ cám vào xe goòng và nâng lên. Khi đến điểm đã định, máy tự xả thức ăn xuống máng cho gia súc, gia cầm ăn. Với 2 loại máy này, vừa tiết kiệm tối đa nhân lực vừa rút ngắn thời gian lao động” - ông Long khẳng định.