Nghề nuôi cá tầm: Đối diện với cái chết?
Khoảng một năm trở lại đây, cá tầm Trung Quốc nhập lậu rồi núp dưới mác cá tầm Việt Nam đang làm nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất cá tầm điêu đứng. Và hàng không bị nghi ngờ là kênh chính để cá tầm lậu đi từ Bắc vào Nam.
Lý giải vì sao cá tầm Trung Quốc chỉ qua đường hàng không để vào sâu nội địa, ông Lê Anh Đức, tổng giám đốc công ty Cá tầm Việt Nam, nói: “Cá tầm không thể đi theo đường thuỷ vì đi dài ngày cá sẽ chết. Chúng tôi đã cử cán bộ theo dõi và tận mắt thấy những lô hàng cá tầm được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất, từ đó đưa về các cơ sở tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam. Hàng ngày có hàng chục tấn cá tầm nhập vào TP.HCM như vậy”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Viết Thuỳ, viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3, để nhập cá tầm vào Việt Nam phải có ít nhất ba loại giấy tờ: giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, giấy phép của cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và CITES Việt Nam khẳng định chưa từng cấp phép cho lô cá tầm Trung Quốc nào vào Việt Nam.
Nuôi cá tầm trên hồ thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi.
Tôi nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc!
Tại hội nghị của hiệp hội Nuôi cá nước lạnh diễn ra tuần trước tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn, cho biết, tuy có quy mô vừa nuôi, vừa mua bán, cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá tầm/năm nhưng công ty này cũng mua cá tầm nhập về từ Trung Quốc, qua đường hàng không vận chuyển từ Hà Nội vào Tp.HCM để bán.
“Chúng tôi để song song hai loại cá: cá tầm Việt Nam và cá tầm Trung Quốc, khách hàng ai mua loại nào thì họ mua. Nhưng nói chung, chẳng ai phân biệt được đâu là cá Trung Quốc đâu là cá Việt Nam”, ông Toản nói.
Các thành viên của hiệp hội Nuôi cá nước lạnh ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp thừa nhận mình kinh doanh cá tầm từ nguồn nhập lậu mà điều này ảnh hưởng lớn đến việc nuôi, kinh doanh cá tầm trong nước. Tuy nhiên, ông Lê Anh Đức, tổng giám đốc công ty Cá tầm Việt Nam, nói rằng, ông hoan nghênh công ty Trường Toàn đã làm một việc là bán riêng hai loại cá như trên, để ít nhất người tiêu dùng còn phân biệt được.
“Hiện nay cá tầm Trung Quốc chất lượng kém hơn cá tầm Việt Nam, giá lại rất rẻ nhưng lại được nhập vào bằng con đường phi pháp mà nếu núp dưới tên cá tầm Việt Nam thì đó là điều không công bằng. Người tiêu dùng hiện nay đang bị lừa vì hầu hết cơ sở bán cá tầm đều nhập nhèm không ghi rõ là họ đang bán cá Trung Quốc”, ông Đức nói.
“Nếu để xuất xứ rõ ràng thì người tiêu dùng sẽ chọn cá tầm Việt Nam vì chất lượng cao, thịt thơm, không nuôi bằng thức ăn tăng trọng, nguồn giống thuần chủng, không lai tạp”, ông Đức khẳng định.
Chịu không nổi
Ngày 29/4, một vụ nhập lậu cá tầm Trung Quốc lên tới 1,9 tấn đã bị bắt và tiêu huỷ tại Hà Nội. Các thành viên hiệp hội Nuôi cá nước lạnh giật mình vì giá cá tầm Trung Quốc nhập lậu bán buôn, trừ chi phí giảm còn có 50.000 đồng/kg trong khi giá cá Việt Nam 140 – 180.000 đồng/kg.
Mức giá quá thấp như vậy thì không một doanh nghiệp nuôi cá nào của Việt Nam có thể cạnh tranh được trừ phi cho cá ăn thức ăn tăng trọng.
Ông Đỗ Tiến Thắng, giám đốc Công ty TNHH Thiên Hà (Lào Cai) kể công ty ông cũng nuôi cá tầm với sản lượng 50 – 60 tấn/năm nhưng hiện nay, do cá Trung Quốc nhập lậu vào quá nhiều nên phải thu hẹp quy mô sản xuất vì không cạnh tranh nổi. “Theo tôi, nếu giám sát, quản lý chặt chẽ về giấy tờ, ít nhất là nguồn gốc xuất xứ thì không có lô cá nào vào Việt Nam được”.
Ông Thắng gay gắt và cho biết, ông đã lặn lội cùng công nhân đóng giả người dân đến khu vực biên giới theo dõi “và có thể khẳng định riêng biên giới Lào Cai, hàng ngày có hàng chục tấn cá lậu nhập vào Việt Nam”.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam nói rằng, sản lượng cá tầm Việt Nam và trứng cá tầm đã đạt mức khá cao. Tổng sản lượng cá nước lạnh năm 2012 là 800 tấn thì cá tầm chiếm 90% và khả năng sản lượng còn tăng mạnh. Ông Hào cho biết, hiệp hội sẽ có kiến nghị mạnh mẽ để yêu cầu các cơ quan hữu quan chức năng quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp xem lại quy trình sản xuất, kênh phân phối để làm sao vừa có giá thành hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng, giữ và phát triển được thị trường trong cuộc cạnh tranh ngày càng khó khăn với cá tầm Trung Quốc. |