Nghề lạ ở An Giang: Đốt lửa nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Đốt lửa “nướng" tầm vông hay còn gọi là uốn tầm vông, nghe qua như nghề lạ ở tỉnh An Giang…nhưng nghề này đã tồn tại hơn 20 năm qua tại vùng Bảy Núi.

Trên bếp lửa đỏ rực, qua bàn tay của người thợ, những cây tầm vông có thân hình cong queo sẽ trở nên suôn thẳng. Nghề uốn tầm vông vốn xuất phát từ tỉnh Tây Ninh.

Trước đây, các tỉnh miền Tây thường chỉ bán cây tầm vông tươi, sau khi học được nghề, nhiều địa phương trong khu vực, nhất là vùng Bảy Núi đã xây dựng các lò “nướng” tầm vông để vừa tăng giá bán sản phẩm lại vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nghề lạ ở An Giang: Đốt lửa nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi - 1

Nghề nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đã tồn tại hơn 20 năm. Ảnh: M.A.

Uốn tầm vông, tức là bẻ những đoạn cong được thẳng ra. Nghề này thấy vậy nhưng chẳng hề dễ, đòi hỏi người thợ phải canh ngọn lửa, chiều gió mà điều chỉnh. Những người thợ lành nghề thường chỉ cần nhìn vào ngọn lửa trong lò là có thể biết được thời gian uốn phù hợp. Tùy vào lửa lớn hay nhỏ, nhiệt độ nhiều hay ít mà thời gian uốn sẽ nhanh hay chậm, trung bình mỗi cây mất từ 2-3 phút.

Ông Chau Ron (ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cho biết: “Tôi làm nghề này được 10 năm rồi, chủ yếu sử dụng ngọn lửa đốt để biến cây tầm vông cong thành thẳng. Khi uốn tầm vông phải uốn đoạn gốc trước, chỉnh cho thẳng rồi mới bắt đầu uốn phần ngọn”.

Nghề lạ ở An Giang: Đốt lửa nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi - 2

Những cây tầm vông cong sẽ biến thành thẳng nhờ căng chỉnh ngọn lửa. Ảnh: M.A.

Khâu uốn phấn gốc tầm vông này đòi hỏi sự khéo léo lẫn sức lực của người làm. Bởi cây tầm vông thuộc họ tre nhưng thân cây nhỏ hơn, đặc ruột, vì thế để uốn được phần gốc người thợ sẽ có thêm cây móc đè cây xuống, còn phần ngọn chỉ cần đặt vào lò đợi đủ lửa là bẻ.

Dù không được đánh dấu, nhưng chỉ cần nhìn vào là người thợ biết cách đảo chiều tầm vông để tạo dáng thẳng, nhìn ngọn lửa và chiều thổi của gió mà uốn đều từ thân đến ngọn.

Nghề lạ ở An Giang: Đốt lửa nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi - 3

Theo những người thợ theo nghề, sau khi thu hoạch, những cây tầm vông tươi sẽ được đưa vào lò để uốn. Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc người còn lại sẽ uốn ngọn. Mỗi lượt sẽ uốn từ 10-15 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài, độ “già” của cây.

Cây tầm vông trồng khoảng 3 năm là có thể thu hoạch. Do ảnh hưởng mùa vụ nên nghề uốn tầm vông cũng không thể làm quanh năm, thường chỉ thu hoạch vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Vào thời điểm này những bếp lò uốn tầm vông luôn rực cháy.

Nghề lạ ở An Giang: Đốt lửa nướng tầm vông ở vùng Bảy Núi - 4

Nghề nướng tầm vông thường được thực hiện theo cặp, mỗi ngày người có tay nghề cao sẽ uốn được từ 200-250 cây. Ảnh: M.A.

Những người thợ uốn tầm vông sẽ được hưởng tiền công tùy thuộc số lượng sản phẩm hoàn thành, bình quân 1.500 đồng/cây. Người có tay nghề cao sẽ uốn được từ 200-250 cây/ngày. Công việc thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ chiều mỗi ngày. Những ngày cao điểm, nhu cầu về số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm đến tối.

Theo người dân địa phương, tầm vông trồng 3 năm là có thể thu hoạch suốt đời, cây ít sâu bệnh. Một người thợ uốn tầm vông lành nghề có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Tầm vông sau khi uốn sẽ được thương lái đem đi phân phối các tỉnh thành lân cận.

Nghề uốn tầm vông tuy lắm vất vả, nhưng bù lại đã giúp hàng trăm hộ dân, đa số là người Khmer, người Chăm có cuộc sống ổn định.

Thanh Hóa: Làng này không hiếm nhà lầu xe hơi nhờ nghề ”thổi bễ”

Mặc dù mọi công đoạn đều làm từ phương pháp thủ công truyền thống nhưng nghề đúc đồng làng Chè, xã Thiệu Trung (huyện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Anh - Ngọc Quyên ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN