Nghe đã run tay: Nuôi đàn rắn hổ mang phì cho tiền tỷ mỗi năm
Trót “phải lòng” với nghề nuôi rắn hổ mang phì nên dù đã đôi lần bị rắn cắn tưởng chết mười mươi nhưng anh Hoàng Đình Hiên, bản Phiêng Bua, Phường Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vẫn không từ bỏ. Anh Hiên cho biết, nuôi con rắn hung dữ, cực độc này không chỉ là sở thích, đam mê mà nó còn mang lại nguồn thu nhập rất khá cho gia đình, năm “trúng quả” anh thu gần 600 triệu đồng.
Suýt mất mạng nhưng vẫn đam mê
Những người bạo gan nuôi được rắn hổ mang phì ở vùng lòng chảo tỉnh Điện Biên hiện đếm trên đầu ngón tay. Bởi loại rắn này không chỉ khó chăm sóc, kén thị trường tiêu thụ mà còn có đặc tính hung dữ, chỉ một cú đớp của nó, nếu không chữa kịp thời sẽ chết người. Người yếu tim, chỉ nghe thấy rắn thở phì phì, bành cổ, thè lưỡi là cũng bỏ chạy “mất dép”.
Vài lần bị rắn cắn, nguy hiểm đến tính mạng nhưng anh Hiên quyết không từ bỏ. Ngoài đan mê, nghề nuôi rắn thương phẩm mang lại cho anh Hiên khoản thu nhập trên 600 triệu đồng/năm
“Ngày nào bận, không chăm sóc được đàn rắn là cảm thấy bứt dứt khó chịu. Bởi vậy rảnh lúc nào là tôi lại ra kiểm tra chuồng rắn “nói chuyện”, vần vò từng con. Thậm chí khiêu khích cho chúng nổi giận, bành cổ lên thở phì phì để vừa quan sát vừa nghe tiếng thở “chuẩn đoán” chúng đang khỏe mạnh hay mắc bệnh gì không.” anh Hiên tâm sự.
Hổ mang phì được xếp vào loài rắn cực độc, có thể cắn chết người sau 4 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, trước khi bắt tay vào nuôi, anh Hiên đã tìm hiểu kỹ đặc tính sinh sống và cách sơ cứu khi bị rắn cắn. Nhưng dù cẩn thận đến mấy, quá trình chăm sóc rắn, lúc bắt để bán cho thương lái, thi thoảng anh Hiên vẫn bị rắn cắn. Anh Hiên nhớ như in 2 lần bị rắn cắn vào tay tưởng chết mười mươi nhưng may mắn được người nhà sơ cứu kịp thời và đưa vào bệnh viện nên thoát nạn.
Do đang trong giai đoạn quy hoạch, mở rộng chuồng trại nên tạm thời anh Hiên nuôi rắn mang phì kiểu nhốt tập trung
“Nuôi rắn bị rắn cắn là điều khó tránh, khi đó cần nhanh chóng tiến hành các bước sơ cứu ban đầu, thực hiện thao tác rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, caro nặn bớt lọc độc trong máu. Trường hợp nhẹ thì có thể đắp thuốc gia truyền, còn nặng thì cần chuyển đến bệnh viện ngay mới có thể giữ được tính mạng.” anh Hiên cho biết.
Càng nuôi càng… mê
Anh Hiên bắt đầu nuôi rắn thương phẩm từ năm 2014, tuy nhiên 2 năm đầu tiên do ít kinh nghiệm, đàn rắn dính phải bệnh nấm tróc vảy và chết hàng loạt khiến anh lỗ hơn 100 triệu đồng. Thất bại nhưng không nản trí, anh đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rắn của các “tiền bối”, trở về thiết kế lại chuồng trại, mở rộng quy mô. Năm 2016 anh đầu tư nuôi nhiều nhất với số lượng 800 con, xuất bán 1 tấn rắn với giá gần 700 nghìn đồng/kg và thu được hơn 600 triệu đồng.
Không cứ độ tuổi, trọng lượng khi có thương lái đến mua là anh Hiên xuất bán cả đàn rắn. Tùy thời điểm, giá rắn mang phì dao động từ 600- gần 1 triệu đồng/kg
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang phì, anh Hiên cho biết: “Loài rắn này nếu nuôi nhốt tập trung rất hay cắn nhau. Bởi vậy cách nuôi khoa học là thiết kế mỗi con 1 chuồng diện tích 0,5m2. Rắn hổ mang phì là loài hoang dã nên tương đối ít dịch bệnh, nhưng nếu có thì hay mắc nhất là bệnh nấm tróc vẩy. Hiện bệnh này chưa có thuốc chữa mà cách phòng ngừa hiệu quả nhất là 1 tuần nên vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi sạch sẽ, giảm bớt mùi hôi và cho ăn thức ăn đảm bảo. Bình thường 6 ngày tôi mới cho đàn rắn ăn 1 lần, số lượng tính tăng theo độ tuổi và khẩu phần chủ yếu là cóc, rắn tạp và một số loại thịt nạc của động vật, như: lợn, gà, chó…”.
Để giảm bớt chi phí mua thức ăn, anh Hiên thường lên rừng bắt cóc và ngóe về cho rắn ăn. Điểm riêng của loài rắn là có khoảng 3 tháng ngủ đông, thời gian này chúng ăn ít hơn so với các mùa khác trong năm, nhưng cũng dễ mắc bệnh nên hàng ngày anh Hiên thường dành từ 3-5 tiếng đồng hồ kiểm tra chuồng trại và sức khỏe đàn rắn.
Hiện nay, sản phẩm rắn thịt rất kén thị trường tiêu thụ mà phần lớn bán cho thương lái dưới xuôi lên thu mua xuất sang Trung Quốc. Nhưng theo nhận định của anh Hiên, tại Điện Biên đang có rất ít người nuôi rắn thịt nên tương đối dễ bán và giá cả dao động từ 600 đến gần 1 triệu đồng/kg.
Rắn hổ mang có đặc tính hung dữ, cắn người. Nếu không được sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong sau 4 tiếng đồng hồ
Chia sẻ với phóng viên, anh Hiên cho biết, hiện anh đã tự nhân giống được rắn hổ mang phì và chỉ phải nhập thêm số lượng rất ít. “Để nhân được giống cần chọn những con tầm 2 tuổi trở nên. Chú ý trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 thường là mùa động đực của rắn, khi đó chúng có những biểu hiện đặc trưng là con cái lục sục khắp chuồng và tiết ra 1 loại mùi quyến rũ con đực. Trước khi ghép đôi cho rắn sinh sản cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tạo ổ lót rơm hoặc cỏ khô để rắn cái đẻ và ấp trứng. Một con rắn sinh sản có thể đẻ được từ 20 đến 30 trứng và ấp trong gần 2 tháng sẽ nở rắn con. Sau 3 ngày thì cho rắn con ăn thịt cóc, ngóe băm nhỏ và chăm sóc bình thường.” anh Hiên chia sẻ.
Nuôi rắn là nghề nguy hiểm, nhưng với anh Hiên càng nuôi càng đan mê. Anh cho biết, sắp tới sẽ đưa vào sử dụng khu nuôi rắn có quy mô đầu tư gần 1 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ là giàu từ nghề nuôi rắn hổ mang phì.