Nghệ An: Mùa xuân đi hái "lộc rừng" đăng đắng kiếm bộn tiền
Những ngày này, tại xã miền núi Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) những người nông dân nơi đây bắt đầu bước vào vụ hái măng đắng. Hàng trăm người dân đồng bào Mông trong xã từ sáng sớm đã mang gùi, cuốc vào rừng (rừng khoanh nuôi, bảo vệ của người dân) thu hái măng đắng như là lộc rừng. Từ việc bảo tồn, khoanh nuôi rừng và khai thác măng đắng, có nhiều hộ thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng...
Hái lộc từ rừng
Từ lâu nay, vùng đất Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) được biết đến với các đặc sản miền sơn cước như dưa rẫy, khoai sọ, bí rẫy... Nhưng mấy năm nay, nhờ nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng nên sản lượng măng đắng ở xã Tri Lễ ngày càng tăng, năng suất cao, chất lượng tốt.
Theo chân anh Thò Bá Dê, Bản Pà Khốm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) vào rừng thu hái măng đắng, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự bạt ngàn đến ngỡ ngàng của rừng măng đắng nơi đây. Măng đắng ở đây khác hẳn những nơi khác, búp măng to, ăn ngon và mùi măng đặc trưng không đâu có thể sánh bằng. Thường thì măng đắng bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 12 năm trước cho đến tháng 4 âm lịch năm sau.
Anh Thò Bá Dê, Bản Pà Khốm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong với một ngày vào rừng hái măng đắng. Ảnh: CT
Thời điểm đầu mùa, măng đắng được các thương lái lên tận bản thu mua với giá lên đến 20 ngàn đồng/kg. Anh Thò Bá Hờ cho biết, mỗi ngày vào rừng thu hái măng măng cũng kiếm được gần 1 triệu đồng.
“Thời điểm này, măng đắng đang được giá nên gia đình chúng tôi tranh thủ lên rừng hái măng. Dụng cụ hái măng rất đơn giản, chỉ cần mỗi người mang một cái gùi, cùng cuốc là vào hái. Đến khi nào gùi đầy măng là đi về thôi. Xuống đến nhà là thương lái họ đến thu mua ngay. Mỗi ngày gia đình tôi cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”, anh Thò Bá Hờ cho hay.
Trong khi đó trao đổi với Dân Việt, anh Thò Bá Dê, Bản Pà Khốm xã Tri Lễ cho biết: “Dịp ra tết Nguyên đán, nhiều bà con trong xã tranh thủ thơi gian rãnh rỗi, lại bước vào vụ măng đắng hàng trăm hộ dân nơi đây đều vào rừng hái lộc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thời điểm đầu mùa giá bán tận bản lên đến 20 ngàn đồng/ kg, hiện tại giá đã xuống còn 18 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày vào rừng chúng tôi cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”.
Nhờ khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiệu quả
Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ măng đắng mang lại, thực hiện chủ trương về khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nhiều hộ dân ở xã Tri Lễ đã biết khoanh nuôi, bảo vệ và trồng thêm cây măng đắng, cùng với các hộ: Thò Chứ Hờ, Và Bá Dê, Và Chá Tùng, Thò Nhia Thông, Và Cha Tổng thì gia đình anh Thò Dua Tếnh là một trong những hộ có nhiều diện tích cây măng đắng nhất trong xã. Mỗi năm, gia đình anh Tếnh thu nhập trên 100 triệu đồng từ loại cây này.
Rừng khoanh nuôi, bảo vệ của gia đình anh Thò Bá Dê, Bản Pà Khốm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có rất nhiều măng đắng. Ảnh: CT.
Trao đổi với anh Thò Dua Tếnh, Bản Pà Khốm xã Tri Lễ nói: “Rừng măng đắng này đã được gia đình tôi khoanh nuôi, bảo vệ cách đây gần 20 chục năm rồi. Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch măng thường thì từ tháng Chạp năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau gia đình lại bắt tay vào thu hái. Măng dễ bán lắm, thương lái thì lên tận nơi mua. Nhờ có cây măng đắng mà gia đình tôi có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học”.
Hiện nay, diện tích măng đắng trên địa bàn xã Tri Lễ trên 30 ha, trong đó các hộ dân, chủ yếu là bản Pà Khốm tự khoanh nuôi, bảo vệ và trồng thêm là 15 ha. Số còn lại nằm ở các bản: Piếng Luống, Huổi Mới 2, Nóng 1 và Nóng 2 hơn 15 ha. Nhận thấy lợi thế từ cây măng đắng mang lại, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Tri Lễ đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng chương trình kế hoạch và khảo sát địa bàn, chủ yếu là các bản giáp biên có rừng măng đắng, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ và trồng thêm cây măng đắng.
Cách người dân khai thác măng đắng ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) Ảnh: CT.
Trao đổi với ông Vi Văn Hời, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết:“ Những năm gần đây, thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây măng đắng mang lại, xã Tri Lễ đã chủ trương xây dựng mô hình khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác loại cây này, vừa đảm bảo lợi ích về kinh tế vừa bảo vệ rừng. Theo thống kê thì mỗi ha măng đắng sẻ cho thu nhập ít nhất là 60 triệu đồng trở lên cho 1 vụ. Từ đó đã có nhiều hộ đồng bào Mông đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu nhờ cây này”.
Từ cây rừng tự nhiên, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tri Lễ đã biết bảo vệ, khoanh nuôi và trồng thêm, tăng thu nhập cho gia đình. Măng đắng đã trở thành đặc sản của Quế Phong mà bất kỳ du khách nào có dịp lên đây đều phải thưởng thức và mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Cây măng đắng đã và đang khẳng định được giá trị, giúp người dân xã vùng biên Tri Lễ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và tiến tới làm giàu từ chính loài cây rừng này.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Quế Phong (Nghệ An) cho hay: “Từ khi Nhà nước có chính sách chính quyền và nhân dân cùng vào cuộc bảo vệ rừng. Rừng đã được giáo khoán đến từng hộ dân, nhờ vậy mà những sản phẩm phụ của rừng được người dân khai thác, chăm sóc cũng chính những sản phẩm ấy là nguồn thu nhập chính của người dân. Chính quyền rất khuyến khích, và đầu tư cho những hộ dân nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng. Còn rừng, người dân còn có thêm thu nhập từ những lâm sản phụ của nó”. |