Nghệ An: Giá chạm đáy, hàng trăm hecta hành tăm chịu cảnh "nằm ruộng"
Đang là thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm, nhưng trên các cánh đồng chuyên canh ở Nghệ An thưa thớt người. Giá hành chạm đáy, ế ẩm khiến người dân không mặn mà thu hoạch, hàng trăm hecta hành tăm chịu cảnh “nằm ruộng”.
Những ngày này về vựa hành xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) mùi hăng hắc bủa vây, hàng trăm hecta hành tăm chưa thu hoạch nằm phơi sương. Xa xa, những top người đang bàn chuyện “đào hành hay lấp hành”. Bởi, đang vào vụ thu hoạch chính trong năm, dù giá hành tăm rớt xuống chỉ còn 10.000 - 13.000 đồng/kg nhưng vẫn không thể bán, khiến người dân không muốn thu hoạch.
Ngồi bên ruộng hành đã héo ngọn, bà Trần Thị Thu (67 tuổi, trú tại xóm 8, xã Nghi Lâm) cho biết: “Nhiều năm liên tục giá hành tăm tăng cao, dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá hành tăm rớt thê thảm, đầu vụ giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 10.000 – 13.000 đồng/kg. Giá quá thấp nên người dân chúng tôi không muốn thu hoạch. Bởi nếu thu hoạch, với giá hiện tại, chúng tôi đã lỗ từ 4 - 5 triệu đồng/sào so với những năm trước”.
Dù đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm nhưng trên các cánh đồng chuyên canh ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vắng bóng người.
Gia đình bà Thu trồng hành gần 10 năm nay. Đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Mùa vụ năm nay, gia đình bà trồng gần 3 sào, chi phí đầu tư bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/sào. Nếu giá hành như đầu vụ thì 1 sào thu về khoảng 12 - 14 triệu đồng. Nhưng nay, với giá hành hiện tại, 3 sào hành tăm của gia đình bà chỉ lời từ 4 - 5 triệu đồng/sào. “Giờ không chỉ chuyện lỗ lãi bao nhiêu, mà thực tế không bán được, thương lái không thu mua”, bà Thu nói.
“Bí” đầu ra
Niềm vui được mùa cũng không trọn vẹn với gia đình bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi) khi 2 sào hành tăm đến thời điểm thu hoạch không bán được. Không có đầu ra, gia đình bà cũng đành nhổ hành từ từ mang về nhà cất giữ chứ để lâu ngoài ruộng lại hư.
Theo bà Hà, hành đến kỳ thu hoạch cũng chỉ để được ngoài ruộng từ 7 - 10 ngày còn để lâu hành xốp hoặc lên xanh, lúc đó cho cũng không ai lấy chứ không phải mua. “Lần đầu tiên trong gần chục năm trồng hành, tôi mới thấy nó rớt giá thảm hại như vậy. Nếu để lâu ngoài đồng thì sợ hành lên xanh, chất lượng hành không đảm bảo, nên tôi phải thêm tiền mua trấu về lấp gốc, và đào hành dần đem về nhà bảo quản, chờ thương lái đến thu mua”, bà Hà ngậm ngùi.
Hành rớt giá, “bí” đầu ra, bà Trần Thị Thu chỉ nhổ cầm chừng dù ruộng hành đã đến kỳ phải thu hoạch.
Hơn 20 năm làm nghề thu mua hành tăm, anh Nguyễn Văn Minh (một thương lái ở xã Nghi Lâm, Nghi Lộc) chia sẻ: “Trước Tết Nguyên đán, giá hành còn ở mức từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Nông dân mừng lắm. Lúc đó hành chưa được thu hoạch nhiều như thời điểm hiện tại. Ra Tết, hành chính vụ, cung vượt quá cầu, các đầu mối ngừng thu mua nên chúng tôi không dám thu gom hành tăm giúp bà con. Hơn 20 năm làm nghề thu gom hành tăm, chưa năm nào tôi thấy giá hành lại thấp đến như vậy”.
Bà Lê Thị Duyên – cán bộ nông nghiệp xã Nghi Lâm cho biết, toàn xã Nghi Lâm có 103 ha diện tích trồng hành. 12/12 xóm trong xã với khoảng 1.500 hộ dân trồng hành tăm, mỗi năm trồng 1vụ khoảng chừng 7 - 8 tháng, cho thu nhập ổn định. “Một sào hành có thể đạt 5 đến 6 tạ, nếu mức giá ổn định từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Mức thu nhập này cao gấp 3 đến 4 đến lần trồng lúa, ngô. Không những vậy, hành tăm Nghi Lâm đã đạt chuẩn VietGap. Tuy nhiên, năm nay hành rớt giá khiến người dân không mặn mà thu hoạch”.
Thi thoảng mới có thương lái đến thu mua nhưng lượng tiêu thụ rất ít.
Cũng giống người dân xã Nghi Lâm, nông dân trồng hành xã Nghi Kiều, Nghi Thuận, Nghi Văn,… niềm vui được mùa đã không trọn vẹn khi hành tăm liên tục rớt giá, khiến người dân không mặn mà thu hoạch.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Toàn huyện có hơn 320 ha trồng hành tăm, tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Văn. Trong nhiều năm qua, trồng hành tăm được xem là hướng đi mới của người dân nơi đây, khi người dân biết sử dụng giống phù hợp, chăm bón, gieo trồng đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến hành tăm năm nay rớt giá. Cũng phải thừa nhận rằng, đây là loại cây khó bảo quản, người dân cũng chưa tự liên kết, kết nối đầu ra cho sản phẩm nên cung cao hơn cầu, sản phẩm không những bị rớt giá mà rất khó tiêu thụ”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi nông dân gấp rút thu hoạch để bán cho được giá thì thương lái lại đua nhau thu mua và găm hàng chờ giá lên cao...