Ngày mua sắm trực tuyến 2015: Vẫn còn những "hạt sạn"

Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday năm nay vẫn xuất hiện một số đơn vị đăng ký bán cả các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, một số mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng, có hiện tượng tự nâng giá rồi tự giảm...

Ít hàng Việt, vẫn để lọt hàng nhái

Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday là chương trình Quốc gia của Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, triển khai. Thời gian triển khai ngày mua sắm trực tuyến kéo dài từ 00h00 đến 24h00 ngày Thứ 6 đầu tiên của tháng 12 hàng năm (năm nay là ngày 4/12/2015).

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương), Online Friday 2015 có sự tham gia của khoảng 2.000 doanh nghiệp thương mại điện tử trên toàn quốc, với hơn 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi, dự kiến sẽ mang lại doanh thu 25 triệu USD trong năm nay, gấp 3 lần so với năm 2014.

Thực tế theo khảo sát của PV Dân trí, nhìn chung, hàng hoá năm nay được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều đơn vị uy tín hơn so với lần đầu tiên được tổ chức. Tuy nhiên, tương tự như năm ngoái, một điểm dễ nhận thấy là các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng ít hơn so với các sản phẩm gắn mác “ngoại” có xuất xứ từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ…

Trong số đó, nhiều mặt hàng chỉ ghi chung chung “hàng nhập cao cấp” mà không ghi cụ thể nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Thậm chí có sản phẩm, chủ yếu là hàng thời trang, gia dụng, còn không có thông tin nào liên quan tới xuất xử sản phẩm.

Ngày mua sắm trực tuyến 2015: Vẫn còn những "hạt sạn" - 1

Chương trình vẫn để lọt những sản phẩm gắn mác thương hiệu cao cấp nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái với giá trị thấp.

Mặt khác, đầu giờ sáng nay, website chương trình bất ngờ không truy cập được trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, theo lý giải của Ban Tổ chức, nguyên nhân là do lượng truy cập tăng đột biến, gấp 10 lần so với dự kiến nên đã dẫn tới sự cố trên.

Đây cũng là năm đầu tiên, chương trình sử dụng ứng dụng so sánh giá để hạn chế khuyến mại không thực chất và loại bỏ câu chuyện nhà sản xuất hoặc đơn vị bán hàng tăng giá trước, sau đó đưa ra mức giảm hoặc khuyến mại sốc trong Ngày mua sắm trực tuyến để “đánh lừa” người mua sẽ hoàn toàn được kiểm soát khách quan và công khai. Tuy nhiên, theo phản ánh của người mua vào sáng nay, qua công cụ so sánh giá cho thấy, có sản phẩm có giá khuyến mại thấp hơn nhiều lần giá niêm yết nhưng vẫn cao hơn so với giá thị trường.

Theo đại diện VECITA, hơn 60.000 sản phẩm đều được Ban tổ chức kiểm soát về mặt thông tin đăng ký trước khi đưa lên website, tuy nhiên, liên quan tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm các doanh nghiệp tham gia phải hoàn toàn chịu trách nhiệm?!

Vẫn tự nâng giá rồi tự giảm?

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, lúc 17h10 ngày 4/12, trên website OnlineFriday.vn, ngành hàng điện thoại di động đăng tải thông tin iPhone 6S Plus 64GB MKU92VN/A Rose Gold bán tại hc.com.vn có giá niêm yết 25.690.000 đồng/chiếc; mặc dù ghi giảm 0% nhưng giá thực bán còn 24.050.000 đồng/chiếc. Truy cập trực tiếp vào website của doanh nghiệp, giá niêm yết của máy này là 24.690.000 đồng/chiếc, thấp hơn 1 triệu so với giá trên OnlineFriday, và sau khi giảm giá còn 24.150.000 đồng/chiếc. Một số sản phẩm khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Kỳ vọng được mua chiếc iPhone trên với giá rẻ hơn, nhưng anh Nguyễn Ngọc Anh (nhân viên văn phòng) cho biết: “Ma trận giá cả này khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Khuyến mãi ảo vẫn còn. Chưa kể chất lượng hàng giảm giá không biết có đảm bảo không”.

Ngày mua sắm trực tuyến 2015: Vẫn còn những "hạt sạn" - 2

Cùng một sản phẩm, cùng doanh nghiệp bán ra nhưng có nhiều mức giá khác nhau. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô).

Theo chị Nguyễn Thúy Nga - nhân viên đại lý bán vé máy bay, giá dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng trong chương trình sau khi giảm mạnh 30-40% vẫn cao hơn so với giá thị trường từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, đối với một số khách sạn có tên tuổi được đăng tải, khách hàng đăng nhập vào thấy báo lỗi. “Chúng tôi mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến là “đánh cược” về chất lượng, vì không được sờ tận tay sản phẩm. Thông tin cung cấp về sản phẩm sơ sài, không đủ tin cậy. Động lực duy nhất là giá rẻ và giảm được thời gian mua trực tiếp, nhưng liệu với chênh lệch giá trên, chúng tôi có tin mình đã bỏ nhiều tiền để mua được dịch vụ tốt hơn thông thường?”- chị Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.

Ngoài ra, đến 15h30 ngày 4/12, nhiều mặt hàng đã không còn để bán. Chẳng hạn, tại sendo.vn, hai loại máy xông mũi họng Omron NE-U22 và NE- C30 được giảm giá 50%, còn 5.490.000 đồng và 2.450.000 đồng/chiếc đã kết thúc khuyến mãi. Chương trình khuyến mãi đối với một số sản phẩm thời trang tại website này cũng kết thúc sớm.

Phản ánh từ người tiêu dùng cho thấy, từ 7h30- 8h sáng qua (4/12), tốc độ truy cập vào website OnlineFriday.vn của chương trình rất chậm. Từ sau 8h đến chiều tối cùng ngày, việc truy cập lại được thực hiện bình thường và nhanh chóng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN