Ngành vật liệu xây dựng tiếp tục bi đát

“Vạ lây” từ thị trường BĐS, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) bị đình đốn từ vài năm nay. Tuy nhiên, giữa tháng 5, đã có những tín hiệu đáng mừng với Nghị Quyết 13 của Chính phủ. Liệu đây là biện pháp “hà hơi thổi ngạt” hiệu quả hay cũng chỉ là “muối bỏ bể” so với thực lực doanh nghiệp VLXD hiện nay?

Doanh nghiệp ngắc ngoải

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, chỉ số tiêu thụ của ngành sắt, thép giảm 2,2%; sản xuất xi măng giảm 9,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 18,3%... Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho của các ngành này cũng tăng cao như sản xuất xi măng tăng 44,2%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 16,7%; sản xuất sắt, thép tăng 1,1%...

Nguyên nhân do thị trường BĐS vẫn trầm lắng và các chính sách cắt giảm đầu tư công, đầu tư cho các công trình xây dựng, hạ tầng vẫn còn kéo dài. Những con số này dường như sẽ tiếp tục “bi đát” khi tháng 5 đã gần hết.

Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, các doanh nghiệp đang ở vào tình trạng ngắc ngoải, số lượng doanh nghiệp phải giảm, cầm chừng, thậm chí dừng hẳn sản xuất đang tăng lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp VLXD đang chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong một năm khi mùa mưa - thời điểm thị trường VLXD ế ẩm nhất - đang tới.

Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13, đưa ra các gói giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất...

Mục tiêu nhóm giải pháp này là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian trước mắt và đưa ra các biện pháp tháo gỡ nhằm khơi thông thị trường cũng như giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chi tiêu công sẽ giúp doanh nghiệp nói chung tháo gỡ hàng tồn kho như sắt thép, xi măng... cho các công trình xây dựng cơ bản.

Mặc dù không phải là đối tượng chính của Nghị quyết 13 nhưng cùng với các chương trình hỗ trợ khác của các ngân hàng như “liên kết 4 nhà”, nhiều người tin tưởng thị trường VLXD sẽ được “thơm lây”.

“Sức nóng” vẫn còn xa

Tuy nhiên, dù ghi nhận những tác động về mặt chính sách của Chính phủ nhưng doanh nghiệp ngành VLXD gần như không mấy lạc quan khi nhìn vào thời gian kế tiếp. Một doanh nghiệp sản xuất xi măng tại khu vực miền Trung cho rằng loại trừ yếu tố độ trễ của chính sách, ngay cả khi thị trường BĐS ấm lên, các thị trường phụ trội cũng chưa thể “khỏe” ngay được.

“Thật sự hiện nay 100% doanh nghiệp VLXD gần như đã hết vốn lưu động, bán ra không ai mua, mà có mua cũng không có tiền trả, nên việc chiếm dụng vốn của nhau trở thành vòng luẩn quẩn khiến tiền mắc kẹt ở đây không thu hồi được để quay vòng sản xuất. Chưa kể đầu vào như điện, xăng… không ngừng tăng. Hiện nay chúng tôi đang chạy 70% công suất mà vẫn dư thừa” - doanh nghiệp này cho biết.

Ngành vật liệu xây dựng tiếp tục bi đát - 1

Thép xây dựng chất đống tại một cửa hàng bán VLXD ở quận 7, TPHCM

Theo ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, khó khăn lớn nhất của ngành xi măng hiện nay là lượng tồn kho lớn. Dự kiến năm 2012, toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 46-47 triệu tấn, cộng với xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn, nghĩa là vẫn còn dư trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được. Hiện tại có gần 100 doanh nghiệp xi măng đang rất khó khăn.

Điển hình là Xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế lên tới 1.259 tỷ đồng; tiếp đến là Xi măng Hạ Long lỗ 982 tỷ đồng và Xi măng Đồng Bành lỗ 149 tỷ đồng. Đấy là những doanh nghiệp đang ngoắc ngoải, còn không ít doanh nghiệp khác đã "chết" hẳn như Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) hay Áng Sơn (Quảng Bình)…

Ngành thép cũng không khấm khá hơn khi lượng tiêu thụ yếu, hàng tồn kho cao và theo Hiệp hội Thép Việt Nam, khó khăn của ngành thép còn tiếp tục kéo dài ít nhất thêm 6 tháng nữa, thậm chí đến hết năm 2012.

Ông Trần Văn Huynh cho rằng những chính sách mới của Chính phủ sẽ có tác động nhưng không nhiều. Bên cạnh việc doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay, dù ngân hàng đã mở van tín dụng nhưng trong tình cảnh doanh nghiệp đang đuối sức như hiện nay, biện pháp “hà hơi thổi ngạt” này dường như không thể khiến thị trường VLXD ấm lên trong một sớm một chiều.

“Có thể nhìn vào thị trường BĐS để thấy được sự tác động lên thị trường VLXD như thế nào. Từ nhà ở thương mại, nhà ở thu nhập thấp hay xã hội đâu đâu cũng cần vay vốn. Mà bao nhiêu % doanh nghiệp sẽ vay được? Các doanh nghiệp BĐS cũng đang khó khăn vô cùng”- ông Huynh nói.

Mùa mưa đang tới gần, các doanh nghiệp VLXD đang dần chuyển hướng sang thị trường bán lẻ cho người dân. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp doanh nghiệp cầm cự chứ không khơi thông thêm được việc sản xuất. Và do đó, câu chuyện trên thị trường VLXD vẫn tiếp tục là chuyện dài kỳ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Ly ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN